Thải toàn khí độc
Năm 2020, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay có rất nhiều nghiên cứu, giải pháp để xử lý rơm rạ, hạn chế tình trạng đốt sau thu hoạch. Tuy nhiên, những giải pháp cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính khoa học và khả thi. Để giải quyết vấn đề cần phải nghiên cứu đến nơi đến chốn, chúng ta đã có nhiều nghiên cứu như chuyển thành viên nén để đốt, làm nấm, làm phân. Nhưng cơ bản nhất là tổ chức như thế nào, kinh phí ở đâu?
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Thế nhưng, đầu tháng 6 là vụ thu hoạch lúa xuân 2021, tại nhiều xứ đồng của thành phố, nông dân tiếp tục tái diễn tình trạng đốt rơm rạ. Điển hình tại huyện Sóc Sơn, người dân các xã: Phù Lỗ, Mai Đình, Phú Cường, Thanh Xuân, Tiên Dược... đốt rơm rạ gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài làm ảnh hưởng tầm nhìn của máy bay khi cất, hạ cánh. Cảng vụ Hàng không miền Bắc hằng năm đều phải gửi công văn đề nghị huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, tỷ lệ đốt rơm rạ trong vụ xuân là khoảng 20%, cao hơn vụ mùa. Tuy nhiên, con số thực tế tại các huyện còn lớn hơn nhiều như: Thường Tín, Thanh Oai chiếm tỷ lệ 50%, Thạch Thất 45%, Chương Mỹ 37%, Thanh Trì 33%, Mê Linh 30%, Sóc Sơn 25%...
Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn tạo bụi, khói, phát thải khí nhà kính, hơi nóng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Các chuyên gia môi trường phân tích, đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên trong khói có nhiều hạt bụi nhỏ và sinh ra nhiều khí độc hại như khí CO, CO2, SO2, NO2 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực đốt cũng như các khu vực xung quanh.
Để rơm rạ không là gánh nặng cho môi trường
GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) chia sẻ, trong quá khứ, rơm rạ được coi là một loại sản phẩm phụ đa mục đích đối với người nông dân Việt Nam (sử dụng để đun nấu, lợp mái nhà, làm thức ăn chăn nuôi…). Nhưng khi ngành trồng trọt phát triển mạnh, sản lượng lúa ngày càng gia tăng, nguồn rơm rạ được tạo ra hàng năm tại Việt Nam là rất lớn (ước tính khoảng 50 triệu tấn/năm) thì rơm rạ lại dư thừa và trở thành nguồn chất thải cần xử lý. Theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), hiện mỗi năm Việt Nam đốt lãng phí trên 20 triệu tấn rơm rạ.
Nhiều địa phương đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm) trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ. Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng đốt rơm rạ thiếu kiểm soát tại các huyện ngoại thành, trong hai năm 2017 - 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã giới thiệu tới 19 quận, huyện trên địa bàn thành phố mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, đồng thời hỗ trợ 50% chi phí chế phẩm sinh học cho bà con nông dân.
Huyện Đan Phượng (Hà Nội) có diện tích trồng lúa khoảng 2.500 héc ta, mỗi năm phải xử lý 37,5 nghìn tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm thành phân bón hữu cơ tại 9 xã phục vụ cho việc trồng hoa màu, đến nay tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng gần như không còn.
Theo ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, giải pháp này mang lại lợi ích “kép” vừa nâng cao năng suất cho cây trồng, vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân. Nhưng rất tiếc, sau một thời gian thí điểm ngắn và phạm vi hẹp, dự án kết thúc, các địa phương không mặn mà truyền thông về lợi ích lâu dài tới nông dân, nên rơm rạ quay trở lại cách xử lý bất đắc dĩ là phơi khô, đốt bỏ.
Xử lý nghiêm hành vi đốt rơm rạ không đúng quy định
Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa; giao các Hội Nông dân và Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức cho hội viên, đoàn viên, hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài cánh đồng.
Bộ TN&MT cũng đề nghị các tỉnh, TP cần xây dựng các dự án, nhiệm vụ hướng dẫn người nông dân triển khai các biện pháp thu gom tối đa, xử lý, chế biến triệt để phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; chỉ đạo Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.
T.Minh