Một tinh mơ sớm bên chân núi giữa rừng di sản, các cán bộ, nhân viên của Trạm Kiểm lâm số 6 – Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, đơn vị trực thuộc Ban quản lý VQG này lại chuẩn bị các đồ dùng, trang thiết bị cần thiết để bắt đầu thực hiện 1 đợt tuần tra, kiểm tra rừng và kiểm soát lâm sản. Chuyến tuần tra lần này của họ kéo dài 5 ngày nên số lượng trang thiết bị, nhu yếu phẩm chuẩn bị mang theo vào rừng là khá nhiều.
Giữ rừng tại gốc
Kể chuyện giữ rừng Di sản Phong Nha, thì lực lượng kiểm lâm là nòng cốt. Họ trực tiếp bảo vệ trên diện tích hơn 123 nghìn ha rừng vùng lõi trung tâm của VQG này. Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm thiên nhiên là “ngôi nhà” an toàn của các loài động, thực vật, lực lượng kiểm lâm đã ngày đêm bám rừng, gỡ từng chiếc bẫy thú, kiểm soát chặt người và phương tiện vào ra, đẩy đuổi các đối tượng xâm nhập rừng trái phép. Mùa khô, họ lắng nghe tiếng gió, căng mình canh từng đốm lửa để bảo vệ rừng an toàn trước nguy cơ “giặc lửa”.
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thông tin rằng: “Với phương châm “phòng là chính, bảo vệ rừng tại gốc”, Hạt Kiểm lâm Vườn luôn duy trì 13 tổ chốt, trực 24/24h tại các cửa rừng và vùng xung yếu. Đơn vị đã lập danh sách hàng trăm đối tượng có nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng cư trú trên các xã, thị trấn vùng đệm, phối hợp UBND các xã, thị trấn theo dõi, giám sát. Bình quân mỗi năm chúng tôi triển khai khoảng 2.300 đợt tuần tra với quãng đường từ 17.000 - 20.000km!”.
Lực lượng kiểm lâm trong 1 chuyến công tác giữa rừng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. |
Tuần tra rừng vốn dĩ của nó chưa bao giờ là công việc dễ dàng và thuận lợi. Ngoài việc gặp phải sự chống đối của các đối tượng manh động, thì quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả do quãng đường tuần tra dài ngày, địa bàn rộng, địa hình đèo dốc cheo leo, hiểm trở hay những cơn mưa rừng nặng hạt dai dẳng…
Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hiện có 11 Trạm Kiểm lâm địa bàn và 2 Tổ Kiểm lâm cơ động với 131 cán bộ, nhân viên được giao quản lý, bảo vệ hơn 123.000ha rừng đặc dụng và hơn 3.000ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Diện tích rừng lớn, lực lượng chuyên trách về quản lý, bảo vệ rừng còn khá mỏng, bình quân, mỗi cán bộ kiểm lâm của phải bảo vệ cho gần 1.000 hecta rừng nên áp lực và trách nhiệm đặt ra cũng hết sức nặng nề.
Dẫu vậy, đội ngũ cán bộ giữ rừng hôm nay đã có thêm những gương mặt mới, như những nhân tố then chốt. Nổi bật là kiểm lâm viên Nguyễn Văn Chóc - Bí thư Chi bộ bản Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) - con trai của vị trưởng bản Nguyễn Soái Trắc nổi tiếng với hơn 3 thập kỷ dẫn dắt cư dân bản Đoòng sinh sống giữa vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó chính là những người con của rừng, sinh ra lớn lên, hiểu rừng và gắn bó máu thịt với rừng.
“Chúng tôi với tinh thần quyết tâm, vừa là trọng trách được Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng giao. Rất tự hào với nhiệm vụ, nhưng để quản lý, bảo vệ bền vững và phát triển tài nguyên thiên nhiên Di sản, chúng tôi cần phải khắc phục rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn rằng, qua công tác hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng, toàn xã hội nói chung và đặc biệt là người dân vùng đệm nói riêng, cần có ý thức hơn nữa để cùng chung tay, bảo vệ rừng, bảo vệ Di sản mãi mãi xanh tươi và bình yên” – ông Phạm Văn Tân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tâm sự.
Đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn
Theo Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái, ngoài công tác bảo vệ, hoạt động cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng cũng được Ban quản lý Vườn đặc biệt chú trọng.
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cứu, hộ chăm sóc cá thể Voọc chà vá chân nâu. |
Động thực vật hoang dã (ĐTVHD) là tài nguyên thiên nhiên vô vùng quý giá, góp phần quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái. Và những cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý VQG này vẫn đang ngày đêm nỗ lực để thực hiện tốt công tác cứu hộ, bảo tồn các loại ĐTVHD.
Ông Lê Thúc Định - Giám đốc Trung tâm này chia sẻ: “Những người làm nghề cứu hộ, chăm sóc ĐTVHD luôn đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, nguồn lây nhiễm bệnh tật. Nhưng bằng tình yêu đặc biệt với ĐTVHD, các cán bộ Trung tâm luôn dồn hết tâm lực để cứu hộ, chăm sóc cho ĐTVHD khỏe mạnh, tái hòa nhập với môi trường tự nhiên”.
Cụ thể hàng năm, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã cứu hộ với số lượng hàng trăm ĐVHD từ các lực lượng chức năng bắt giữ và người dân giao nộp với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt hơn 85% để thả về môi trường tự nhiên… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm Vườn nhiều loài thực vật quý hiếm với số lượng lớn để cứu hộ và tái thả vào môi trường tự nhiên tại Vườn Thực vật; tổ chức sản xuất cây giống bản địa để phục vụ công tác bảo tồn và phục vụ các chương trình trồng rừng; thu thập, xử lý, gieo ươm hạt giống có phẩm chất tốt; nhân giống cây quý để bảo tồn...
Một cá thể hổ Đông Dương được cứu hộ, chăm sóc tại Phong Nha – Kẻ Bàng. |
Và dưới những tán rừng già của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, ngày đêm vẫn có những con người đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ và bảo tồn một màu xanh tươi mãi cho sự phát triển bền vững của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho riêng Quảng Bình và Việt Nam nói chung.
Số liệu thống kê cho thấy, sau 20 năm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên giới (5/7/2003 – 5/7/2023), lực lượng kiểm lâm Vườn này đã tổ chức được 41.000 đợt tuần tra rừng với tổng thời gian 45.500 ngày trên quãng đường 211.240km; 42.596 bẫy đã bị tháo dỡ, 579 lán trại bị phá hủy, 4.158 lượt người xâm nhập trái phép bị đẩy đuổi ra khỏi rừng.
Trong công tác bảo tồn cứu hộ, 1.439 cá thể ĐVHD và 1.575kg phong lan đã được cứu hộ; tái thả về môi trường rừng tự nhiên 1.335 cá thể và hiện nuôi cứu hộ 64 cá thể ĐVHD, đặc biệt có 7 cá thể hổ Đông Dương.