Theo Dự thảo Luật Báo chí, “nhà báo” được phân biệt với những người hoạt động báo chí khác bằng “thẻ nhà báo”. Những người thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo nhưng chưa đủ điều kiện để xét cấp thẻ nhà báo thì cơ quan báo chí có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu để hoạt động báo chí. Dù được qui định rất rõ ràng như vậy song xung quanh vấn đề này vẫn còn không ít những băn khoăn.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Media JSC nhận xét, qui định chỉ các công dân được cấp thẻ nhà báo mới được gọi là nhà báo như Dự thảo là “không chuẩn xác” vì khái niệm “nhà báo” là để chỉ một nghề nghiệp, trong khi “thẻ nhà báo” chỉ là một loại chứng nhận cho những người được công nhận hành nghề chính thức.
Với đặc thù của hoạt động báo chí, những người làm báo có thể không có giới hạn về độ tuổi, phạm vi, lĩnh vực công tác... Bất kỳ ai có khả năng tiếp nhận, phân tích, xử lý và truyền đạt thông tin bằng ngôn ngữ báo chí đều có thể tham gia hoạt động báo chí tại một hoặc nhiều cơ quan báo chí, thông qua hoạt động chính thức hoặc cộng tác.
Vì thế, có nhiều nhà báo vì nhiều lý do khác nhau mà không được cấp thẻ nhà báo hoặc đã không còn hoạt động trong cơ quan báo chí chính thức nên không còn thẻ nhà báo (chuyển nghề hoặc về hưu) mà vẫn tiếp tục viết báo, tham gia hoạt động báo chí. Nếu không có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, họ sẽ bị “gạt” khỏi hoạt động mà họ có khả năng này.
Tương tự, Khoản 2 Điều 26 qui định phóng viên thường trú hoạt động độc lập phải có thẻ nhà báo cũng bị đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội phê là “gây hạn chế về quyền có việc làm của người được đào tạo chuyên ngành báo chí”. Hơn nữa, trong khi các cơ quan báo chí, văn phòng đại diện đang rất cần những phóng viên thường trú để hoạt động tại địa bàn thì người muốn được làm phóng viên thường trú độc lập theo Dự thảo phải “có thẻ nhà báo” nên làm khó thêm cho cơ quan báo chí khi bố trí phóng viên thường trú tại các địa phương.
Trong khi đó, Dự thảo Luật lại cho phép cấp thẻ nhà báo cho cả “những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về báo chí tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, giảng viên chuyên ngành báo chí tại các trường đại học công lập” có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo qui định của Luật Báo chí. Cho ý kiến vào Dự thảo này, Bộ Tư pháp đề nghị không cấp thẻ nhà báo cho các đối tượng này vì họ tuy có liên quan đến hoạt động báo chí nhưng không phải là những người hoạt động báo chí.
Nói gì đi nữa, đối với hoạt động mang nhiều đặc thù như báo chí, “Thẻ nhà báo” là một giấy tờ cần thiết để khẳng định vai trò, vị trí của người hoạt động báo chí. Tuy nhiên, đối tượng nào cần cấp và đối tượng nào không nên cấp thì vẫn cần được cân nhắc để đảm bảo cho hoạt động báo chí có được nguồn nhân lực dồi dào, đủ điều kiện và đảm bảo quyền được hành nghề báo chí của công dân.