Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Báo chí do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng qua (10/7), đại biểu Nguyễn Thị Tâm Đan cho rằng, phần lớn tồn tại trong hoạt động báo chí không phải nguyên nhân từ luật mà từ công tác quản lý và hoạt động, không chỉ từ cơ quan quản lý nhà nước mà từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Đề xuất thay đổi về cấp phép
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Le Media cho rằng, trong xu thế của thế giới, các loại hình báo chí in ở Việt Nam đều suy thoái nghiêm trọng. Theo số liệu của Kantar Media, doanh thu quảng cáo trên báo in liên tục sụt giảm, từ 132,5 triệu USD năm 2009 xuống còn 84,3 triệu USD năm 2014. Trong bối cảnh như vậy, “nếu không chuyển hướng sang loại hình báo chí điện tử thì cơ quan báo chí khó sống nổi, nhưng thủ tục cấp phép hiện lại rất khó khăn, nghiêm ngặt” – ông Vinh nhận xét.
Vì vậy, nên thay đổi cách quản lý báo chí, từ quản lý hình thức sang quản lý nội dung, cấp phép một lần cho các cơ quan báo chí và cho phép các cơ quan báo chí được phép chuyển sang các loại hình báo chí khác, như báo điện tử, báo hình phù hợp với chiến lược cạnh tranh và chiến lược thị trường và phù hợp với năng lực của mỗi cơ quan.
Cũng băn khoăn về vấn đề giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, TS. Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị không nên quy định thời hạn giấy phép hoạt động báo chí 10 năm như Khoản 2 Điều 22 của Dự thảo để tránh mất thời gian, thủ tục gia hạn, cấp phép lại, đồng thời cũng tránh tạo cơ chế xin – cho trong từng giấy phép.
Nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan chủ quản
Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy, phần lớn tồn tại trong hoạt động báo chí không phải nguyên nhân từ luật mà từ công tác quản lý và hoạt động, không chỉ từ cơ quan quản lý nhà nước mà từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Thực tế, nhiều cơ quan chủ quản “cứ xin cho ra được tờ báo, xong rồi khoán hết cho tổng biên tập” nên việc thực hiện quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cơ quan báo chí, năng lực và đạo đức nhà báo.
Do đó, “tạo điều kiện cho nhà báo về cơ chế, chính sách để nhà báo yên tâm thực hiện nhiệm vụ, khách quan, vô tư trong giải quyết quyền lợi của người dân cần được quan tâm và nếu có thể qui định vào luật”, bà Đan nói. Đồng thời, trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo nội dung thông tin trên báo chí đương nhiên phải là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều địa phương, hoạt động của phóng viên thường trú, văn phòng đại diện đang gây nhiều bức xúc cho các địa phương do sự quản lý chưa chặt chẽ, thậm chí “buông lỏng” cho văn phòng, phóng viên thường trú “tự tung tự tác”. Do vậy, nhiều ý kiến mong muốn Dự thảo Luật có qui định trưởng, phó văn phòng đại diện, phóng viên thường trú độc lập phải là nhà báo được cấp thẻ.
Trong khi đó, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội lại đề nghị xem xét việc phóng viên thường trú không cần có thẻ nhà báo, chỉ nên quy định phải có thẻ nhà báo đối với lãnh đạo cơ quan thường trú vì hiện nay các cơ quan báo chí, văn phòng đại diện đang rất cần những phóng viên thường trú để hoạt động hiệu quả, trong khi đó điều kiện xét cấp thẻ nhà báo đối với phóng viên lại phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 3 năm trở lên.
Quy định này gây hạn chế về quyền có việc làm của người được đào tạo chuyên ngành báo chí cũng như gây khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc cử người tác nghiệp tại địa phương…