Theo cô Tuyết: “Nhìn tổng thể, đề thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 – 2021 có một “tứ” hay: câu nghị luận xã hội khẳng định vai trò sâu xa, cội nguồn, gốc rễ của các giá trị (đặc biệt là giá trị văn hóa, tinh thần) thuộc về dân tộc; câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề về giá trị phổ quát lớn lao mang tầm nhân loại của văn chương (cũng là một giá trị thuộc bình diện văn hóa, tinh thần)!
Từ rất lâu, khi đề cập tới những khái niệm “dân tộc” hay “quốc tế”…, tôi cho rằng sự khác nhau giữa các dân tộc là bản sắc văn hóa, nhưng có một người bạn của tôi lại khẳng định: điểm khác nhau giữa các dân tộc là “đẳng cấp”, ví dụ chúng ta thường tự hào về tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, cách sống thủy chung tình nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Nhưng làm gì có dân tộc nào trên thế giới không có những tình cảm ấy, chỉ khác về mức độ nhận thức, về trình độ văn minh trong các hình thức biểu hiện – tôi thấy đây là ý kiến đúng, nhưng bổ sung thêm một điều: các dân tộc đều có những phẩm chất, những tình cảm tốt đẹp. …
Nhận thức được điều này, học trò sẽ không cực đoan trong những quan niệm sống hiện đại, không sai lầm khi đối lập, loại trừ các giá trị, hiểu được Thần Ăng tê chỉ có được sức mạnh vô địch khi đặt chân vững chắc trên mình đất Mẹ Gaia, cũng như đất Mẹ, những giá trị cốt lõi của dân tộc là điểm tựa, là nguồn nuôi dưỡng, là sự tiếp sức vô tận giúp cho con người phát triển!
Điều tôi hơi gợn trong câu nghị luận xã hội chính là cách diễn đạt khá “nghệ sĩ” của Xuân Diệu ở cụm từ: “… đứng vào dân tộc” – đây cũng là chi tiết chúng ta nên quan tâm khi chọn ngữ liệu bàn luận, ví như trong một đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên văn gần đây, đề đưa ra quan niệm khá cực đoan, siêu hình khi dùng hai khái niệm “nhan sắc” và “đức hạnh” để phân loại hai yếu tố không thể phân loại trong thơ là hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng!
Đề thi học sinh giỏi Văn THPT 2020. |
Câu nghị luận văn học đề cập tới một vấn đề không mới, không khó của lý luận văn học là “tính nhân loại” của văn học. Hai quan niệm của Nam Cao và Nguyễn Minh Châu đều khá thống nhất, dẫu một người lập ngôn “đanh thép”, người kia “khát khao, trăn trở”!
Vậy vấn đề đặt ra trong đề bài là hay, là muôn đời, nhưng học trò cần xử lý vấn đề như thế nào cho khỏi rơi vào sự nhàm chán muôn đời, triển khai hệ thống ý như thế nào để vượt thoát khỏi khuôn mẫu lý thuyết, đưa bài văn của các em chạm vào được thực tế “cây đời” của văn chương bây giờ, lúc này, đó sẽ là những khó khăn không hề nhỏ.
Bởi kể cả người lớn, khi cố gắng phân loại minh bạch các khái niệm về tính dân tộc, tính nhân loại, thậm chí tính giai cấp… cũng khó nói đến cùng.
Tôi cho rằng đề văn năm nay, rằng hay thì thật là hay, nhưng xem ra vẫn là thử thách với không ít học trò và oái oăm là những thử thách có thể nằm ngoài văn chương!”