Trong tháng 4 này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc về logistics, tìm các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Bởi giảm chi phí vận tải đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm hơn cả.
Nghịch lí đường bộ giá cao vẫn... đắt hàng
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,9 % GDP. Đây là con số ở mức trung bình so với các nước đang phát triển có mức GDP tương ứng, nhưng cao đối với các nước phát triển (từ 9% đến 15% GDP). Cụ thể, tỷ lệ này của Mỹ là 7,7%, Singapore 8%, EU 10%, Nhật 11%; tỷ trọng này cũng cao hơn các nước đang phát triển trong khu vực như Thái Lan (18%), Trung Quốc (19%).
Trong hoạt động logistics, chi phí vận tải chiếm cao nhất với 59% tổng chi phí logistics. Đối với từng mặt hàng khác nhau chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Theo tính toán của Bộ GTVT, hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5%, cảng phí 1%; hàng may mặc xuất khẩu chi phí vận tải 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 2%; gạo xuất khẩu chi phí vận tải chiếm 58%, lưu kho chiếm 10%, xếp dỡ 24%, đóng gói 7% và cảng phí chiếm 1%; trái cây chi phí vận tải chiếm 61%, lưu kho 14%, xếp dỡ 20%, đóng gói 5% và cảng phí là 1%...
Một nghiên cứu của Bộ này chỉ ra rằng, đang có nghịch lí trong cách chọn phương thức vận tải logistics ở Việt Nam. Theo đó, vận tải đường bộ đang trở thành lựa chọn hàng đầu đối với hoạt động vận tải nội địa, dù phương thức vận tải này chỉ phù hợp với cự ly ngắn, khối lượng thấp.
Số liệu PLVN có được, giai đoạn 2012 - 2017, thị phần vận tải đường bộ chiếm tới 73%, trong khi vận tải đường sắt chỉ chiếm... 0,39%, đường biển 22,12%, đường thủy nội địa 17,3% và hàng không 0,02%. Điều đáng nói, chi phí vận tải đường bộ đắt đỏ hơn so với nhiều loại hình vận tải khác.
Việc vận tải bằng đường bộ có những ưu điểm như cơ động, nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng nảy sinh hàng loạt vấn đề khác như giá thành bị đẩy lên cao, cạnh tranh không lành mạnh khiến tổng chi phí logistics của DN đội lên.
Trong khi đó, vận tải bằng đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa dù giá rẻ, tải trọng lớn nhưng lại ít được DN lựa chọn. Nguyên nhân một phần do không thuận tiện từ cửa đi tới cửa đến, di chuyển chậm. Ngoài ra có nguyên nhân quan trọng khác là hạ tầng của những phương thức vận chuyển này chưa đồng bộ, chưa chuyên nghiệp.
Hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển tốt sẽ góp phần giúp dịch vụ logistics phát triển |
Loay hoay chuyện kết nối
Riêng với vận tải đường sắt, Bộ GTVT cho rằng vai trò của đường sắt trong việc phát triển dịch vụ logistics là quan trọng, nhưng hiện tại đường sắt lại chưa tham gia sâu rộng vào dịch vụ logistics.
Giá cước rẻ nhưng tổng giá thành vận tải cao, dịch vụ vận tải hạn chế không hấp dẫn chủ hàng đến với đường sắt. Cước vận tải đường sắt trên ray thấp hơn nhiều so với đường bộ trên cùng cự ly vận chuyển nhưng cước vận tải từ cửa đến cửa lại tương đương, thậm chí cao hơn trên một số tuyến do chi phí hai đầu lớn, thời gian chạy tàu còn dài, nhất là tàu hàng, việc cấp toa còn khó khăn, giá cước chưa thực sự linh hoạt theo biến động của thị trường, còn nhiều đầu mối chưa rõ ràng khiến khách hàng khó khăn khi tiếp cận…
Với vận tải quốc tế, sự hạn chế của hệ thống cảng biển, đội tàu biển Việt Nam cũng khiến cho một phần hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu chi phí cao khi hiện tại tỷ lệ hàng hoá phải trung chuyển qua cảng biển nước ngoài đang ở mức khá cao.
Việc tập trung hàng hóa lớn và các tuyến tàu trọng tải nhỏ dưới 4.000 TEU tại khu vực TP. Hồ Chí Minh dẫn đến tình trạng hàng hóa đi thị trường biển xa như châu Âu, châu Mỹ... tiếp tục phải trung chuyển tại các cảng biển Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) trong khi cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải đã được đầu tư với quy mô hiện đại, có thể tiếp nhận các tàu mẹ đi tuyến biển xa thì lại không thu hút được hàng hóa trung chuyển ngay trong thị trường nội địa, khai thác chỉ đạt 30% tổng công suất.
Theo lý giải của Bộ GTVT, nguyên nhân chính khiến chi phí vận tải của Việt Nam cao, dịch vụ logistics chưa phát triển bền vững là do hệ thống giao thông còn thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển.
Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa cũng là một nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics nước ta hiện nay còn cao.
Theo tính toán, chi phí vận chuyển một container loại 40 feet từ Hà Nội vào TP .Hồ Chí Minh là khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hào hứng lựa chọn hình thức vận tải đường bộ bằng container. Đây thực sự là một nghịch lý mà Bộ GTVT cần phải có ngay lời giải.
Mục tiêu tăng 14 bậc chỉ số LPI
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, thông qua việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về logistics, Bộ này mong muốn cải thiện chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam từ vị trí thứ 64/160 lên 50/160 quốc gia trên thế giới. Làm được điều này, tự khác chi phí logistics/GDP của Việt Nam sẽ giảm từ 20,9 % xuống dưới 20% trong tương lai.