Đề xuất áp dụng phân nhóm rủi ro để quản lý phòng cháy chữa cháy

(PLVN) - Pháp luật quy định về tần suất kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, cũng không phân biệt giữa các đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt với đơn vị có lịch sử tuân thủ kém.
VCCI đề xuất tần suất kiểm tra doanh nghiệp về phòng cháy, chữa cháy phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy đang được Bộ Công an xây dựng, trong đó đã giải quyết nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tiễn các quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CP. 

Góp ý vào Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay, công tác hậu kiểm của nhiều cơ quan nhà nước đang chuyển dần theo hướng quản lý rủi ro. Cơ quan nhà nước tiến hành thu thập và tổng hợp thông tin đầu vào (gồm cả lịch sử tuân thủ) của mỗi đối tượng quản lý, hệ thống máy tính dựa trên tiêu chí định sẵn và thông tin đầu vào sẽ chấm điểm rủi ro của mỗi đối tượng quản lý và phân các đối tượng này thành các nhóm có mức độ rủi ro cao thấp khác nhau. Đối tượng quản lý sẽ được thanh kiểm tra với tần suất tương ứng với mức độ rủi ro đó. 

Cách quản lý này vừa bảo đảm minh bạch, tránh việc lợi dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực, vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức tăng hiệu quả làm việc của cơ quan thanh kiểm tra, vừa tạo động lực để đối tượng quản lý tuân thủ quy định tốt hơn” – VCCI nhận định.

 Cộng đồng doanh nghiệp để xuất bổ sung quy định để tránh kiểm tra chồng chéo

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 17 của Dự thảo quy định về tần suất kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, cũng không phân biệt giữa các đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt với đơn vị có lịch sử tuân thủ kém.

Vì vậy, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn.

Thêm vào đó, hiện nay có tình trạng nhiều đoàn kiểm tra của các cơ quan nhà nước khác nhau cùng kiểm tra doanh nghiệp dẫn đến trùng lặp, chồng chéo về nội dung kiểm tra. Cụ thể, ngoài cơ quan công an, hiện nay vẫn có tình trạng cơ quan quản lý về xây dựng, về an toàn lao động, về an toàn hoá chất, thậm chí cả bảo vệ môi trường cũng kiểm tra doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy. 

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định vào Điều 17.3 của Dự thảo: “Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm theo hướng kết hợp kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy, bảo đảm không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm tra“. 

Đọc thêm