Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa: Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động đến nền kinh tế giai đoạn phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Người tiêu dùng, chuyên gia pháp lý cho rằng đề xuất áp giá sàn máy bay nội địa tại Dự thảo Thông tư Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông Vận tải sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay, nên cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của văn bản này khi được ban hành.
Quy định áp giá sàn vé máy bay nội địa bị cho là ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Quy định áp giá sàn vé máy bay nội địa bị cho là ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Thông tư tác động lớn đến người tiêu dùng

Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không Việt Nam mới trình Bộ GTVT đã vấp phải phản ứng từ dư luận bởi nhiều yếu tố. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, những đề xuất trong dự thảo này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là ngành Du lịch và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cần hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nói, để thu hút khách hàng, nhiều hãng hàng không đã có chính sách khuyến mại về giá vé, có giá vé thấp, thậm chí “vé 0 đồng”. Điều này có lợi cho người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, nhờ giá vé rẻ mà tiếp cận dịch vụ hàng không.

“Nếu áp giá sàn như đề xuất của Cục này, các hãng bay sẽ không được bán dưới giá sàn này. Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ không còn cơ hội mua vé giá rẻ; vô tình đã tước đi cơ hội tiếp cận giá rẻ của nhiều khách hàng mà nhờ có chính sách giảm giá của doanh nghiệp họ mới được hưởng”, ông Hùng nói.

Theo vị này, văn bản trên tác động lớn tới đại đa số người tiêu dùng, Bộ GTVT nên cẩn trọng trong vấn đề lấy ý kiến của các bộ, ngành mà đặc biệt là ý kiến người dân và doanh nghiệp liên quan mật thiết đến ngành Hàng không.

“Việc lấy ý kiến đối với các đối tượng bị điều chỉnh trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết và bắt buộc. Tôi nghĩ rằng, cơ quan soạn thảo sẽ không thể bỏ qua các bước này. Bởi Thông tư này tác động đến những người tiêu dùng có nhu cầu đi lại bằng phương tiện máy bay, trong đó số đông có những người có thu nhập thấp và trung bình. Do vậy, việc lấy ý kiến khách hàng là điều không thể bỏ qua”, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh.

Bộ Giao thông Vận tải: Hết sức cẩn trọng, khách quan

Một chuyên gia pháp lý cho biết, theo quy định tại Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), trong quá trình soạn thảo Thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; Nêu rõ ràng những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; Đăng tải toàn văn dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ trong thời gian ít nhất là 60 ngày.

Tuy nhiên, tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo Thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ có thể lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến. Như vậy, có nhiều trường hợp, dự thảo Thông tư không cần lấy ý kiến rộng rãi.

“Nhưng, trong trường hợp này, đối tượng chịu sự tác động của Thông tư rất lớn, bao gồm cả doanh nghiệp và người dân, cần thiết phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”, chuyên gia này nói.

Một số chuyên gia pháp lý cũng cho biết, nếu trong trường hợp Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đề xuất ban hành Thông tư theo thủ tục rút gọn như quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ trưởng - Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách, để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định tại khoản này phải kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Được biết, quan điểm của Bộ GTVT trong việc ban hành Thông tư này là “hết sức cẩn trọng, khách quan, đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không”. Bởi vậy nhiều ý kiến cho rằng, một Thông tư sẽ tác động rất lớn đến tình hình phục hồi kinh tế - xã hội như hiện nay sẽ được cơ quan ban hành đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm