Trước đây, trong Công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý đối với Dự thảo, VCCI đã có đề xuất cân nhắc xem xét bỏ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính, bao gồm các điều kiện: Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp phép (điểm b); Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính (điểm c). Theo VCCI, các quy định này chưa phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014 và can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì các điều kiện này quy định tại văn bản cấp Luật do đó Nghị định không thể quy định trái luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thể hiện tính cải cách, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ các điều kiện này khi sửa đổi Luật Bưu chính. Còn tại Dự thảo này, các chuyên gia đề xuất quy định hướng dẫn các điều kiện này theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với điều kiện về khả năng tài chính: đề nghị bỏ quy định về vốn pháp định quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và để cho doanh nghiệp tự chủ về tài chính tùy thuộc vào quy mô hoạt động của mình. Đối với phương án kinh doanh: đề nghị chỉ cần có nội dung về giá cước dự kiến và chất lượng dịch vụ bưu chính, đề nghị bỏ các nội dung còn lại quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.
Liên quan đến lý do giữ các điều kiện này, Ban soạn thảo lý giải: “Thẩm định phương án kinh doanh là bước rất quan trọng trong quy trình cấp phép, nếu làm tốt bước thẩm định này sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro. Việc thẩm định doanh nghiệp và phân tích hồ sơ và phương án là nhằm đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ bưu chính (dịch vụ thư) trên cơ sở tìm hiểu và đánh giá một cách toàn diện chính xác về doanh nghiệp.
Căn cứ phương án kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan thẩm định tìm hiểu và làm rõ các khía cạnh liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp một cách đầy đủ nhất để từ đó có kết luận về tình hình sản xuất của doanh nghiệp như phạm vi kinh doanh có phù hợp với tình hình hiện tại và tương lai … từ đó đánh giá khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp để có quyết định cho việc cấp giấy phép một cách chính xác …”.
Tuy nhiên, theo VCCI, các lý giải này chưa thực sự thuyết phục, bởi mục tiêu quản lý theo giải trình trên đối với quy định về phương án kinh doanh là chưa phù hợp về quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư. Đây là các vấn đề của thị trường, Nhà nước không nên và/hoặc không cần can thiệp.
Mặt khác, quy định này chưa có tính khả thi ở chỗ: phương án kinh doanh có thể thay đổi dựa vào tình hình diễn biến của thị trường, vì vậy có thể thay đổi ngay sau khi cấp phép. Mỗi khi thay đổi, doanh nghiệp không thể lại đến cơ quan nhà nước chờ phê duyệt phương án kinh doanh rồi mới được thực hiện. Điều này sẽ tạo ra một gánh nặng về thủ tục hành chính. Như vậy thì cơ quan nhà nước chỉ biết phương án dự kiến của doanh nghiệp tại thời điểm cấp phép mà không có thông tin thực sự được triển khai.
Trên cơ sở phân tích trên, VCCI giữ nguyên quan điểm cần phải bỏ các điều kiện này, trong trường hợp chưa bỏ được do còn vướng Luật thì cần phải quy định theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp.