Đề xuất bỏ hình thức thanh tra thường xuyên

(PLVN) - Từ chỗ nhận thấy rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Luật Thanh tra nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.
Quang cảnh Phiên họp thứ 10 ngày 18/4.
Quang cảnh Phiên họp thứ 10 ngày 18/4.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án Luật này là các quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Trình bày Tờ trình, liên quan đến nội dung trên Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, dự thảo Luật quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Kế hoạch thanh tra hằng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Thẩm tra dự thảo Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng, từ chỗ nhận thấy rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Luật nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Do vậy, Thường trực UBPL cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, có 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên; thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.

Thường trực UBPL tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng thực chất của thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, nếu duy trì hình thức thanh tra này là không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra. Việc bỏ hình thức thanh tra thường xuyên cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Đồng thời, để có cơ sở pháp lý chặt chẽ phân biệt rành mạch hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý khác của Nhà nước tiến hành kiểm tra, Thường trực UBPL đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định có tính nguyên tắc về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự thủ tục kiểm tra và giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện thống nhất.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với đề xuất bỏ hình thức thanh tra thường xuyên vì hình thức này chính là thanh tra theo kế hoạch. Tuy nhiên, bà đề xuất xem xét làm rõ giữa 2 hình thức thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch có bất cập gì không. Bà cũng kiến nghị không làm cùng lúc thanh tra, kiểm toán đối với 1 cơ quan, địa phương, đơn vị để tránh quá tải cho cơ quan, địa phương, đơn vị.

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương quan niệm, mỗi cơ quan có chức năng khác nhau, việc chồng chéo thanh tra, kiểm toán là chồng chéo về thời gian, địa điểm, cấp thanh tra, cùng một thời điểm có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tức là do triển khai thực hiện chứ không phải do quy định của Luật.

Đồng tình, Chủ tịch QH cũng phân tích chức năng, nhiệm vụ khác nhau giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán. Vì vậy, theo Chủ tịch QH, quy định xử lý triệt để việc chồng chéo là không khả thi mà điều quan trọng là các cơ quan phải “thuộc bài” làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Thực tế, Chủ tịch QH đánh giá, hai cơ quan thanh tra, kiểm toán phối hợp rất tốt. Điển hình như trong thanh tra, kiểm toán việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 đã phân định rất rõ thanh tra làm gì, kiểm toán làm gì.

Đọc thêm