Chiều 23/5, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về dự án Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) nhận thấy, trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá. Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Bởi đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, loại hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn.
Liên quan đến nội dung giá vé máy bay, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa là do Nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa. Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.
Tuy nhiên, trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông mới thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá; còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt nên để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). |
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu QH, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo luật chuyên ngành. Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, QH quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định. Đồng thời, bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, UBTVQH cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường…