Để hoàn thiện bộ máy của khối DN này hoạt động có hiệu quả, Bộ Tài chính mới có báo cáo về thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011 – 2015. Trong khi đó, phía Bộ KH & ĐT cũng đã hoàn thành cơ bản Đề án tái cấu trúc nền kinh tế, để đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cấu trúc.
Theo một báo cáo mới đây, trong suốt 5 năm từ 2006 - 2010, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đều kinh doanh thua lỗ. Tính đến ngày cuối cùng của tháng 12/2010, lỗ lũy kế của các TĐ, TCT là 26.123 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu của các TÐ-TCTNN đến hết năm 2010 là 653.166 tỷ đồng, tổng tài sản là 1.799.317 tỷ đồng)…
Để hoàn thiện bộ máy của khối DN này hoạt động có hiệu quả, Bộ Tài chính mới có báo cáo về thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011 – 2015. Trong khi đó, phía Bộ KH & ĐT cũng đã hoàn thành cơ bản Đề án tái cấu trúc nền kinh tế, để đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cấu trúc.
|
Ảnh minh họa |
Sự thua lỗ của… ông lớn
Thực trạng nợ nần, thua lỗ của của các TĐ, TCT là điều không còn “mới lạ”. Riêng với tổng số nợ của phải trả của các TĐ,TCT thì tăng mạnh theo thời gian. Thống kê cho hay, nếu như năm 2006 tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT là 419.991 tỷ đồng, bình quân bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu thì đến hết năm 2010, số đó là 1.088.290 tỷ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu. Nếu xét từng TĐ, TCT thì có 30 TĐ, TCT tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, có 7 TCT trên 10 lần, 9 TCT trên 5 - 10 lần, 14 TCT từ 3 - 5 lần.
Những “con cưng” như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TCty Hàng hải Việt Nam, trong bản báo cáo của Bộ Tài chính, được nhắc đến khá nhiều và rất kỹ về tình trạng kinh doanh thu lỗ. Theo đó, nếu tính đúng theo quy định thì từ năm 2008 đến nay, kết quả kinh doanh của EVN năm nào cũng lỗ, nguyên nhân chính do chênh lệch tỷ giá. Tính đến 31/12/2010, EVN chưa phân bổ được vào chi phí sản xuất kinh doanh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá luỹ kế là 15.463 tỷ đồng.
Theo PGS.TS Trần Xuân Hải (Học viện Tài chính), đã đến lúc phải hoàn thiện cơ chế kiểm toán, kế toán tại các tập đoàn, TCty, thiết lập hệ thống thông tin giám sát và quản lý DNNN, gồm thông tin về tài chính, thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về danh mục đầu tư, biến động bất thường... Đặc biệt là xác định lại các chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá hiệu quả kinh doanh của DNNN. Việc đổi mới tư duy đến đổi mới cơ chế quản lý là chuyện nên làm trong khối DNNN hiện nay. |
Các TCT có lỗ phát sinh lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị; TCty XDCTGT 1; TCty Chè Việt Nam; TCy Đầu tư phát triển đô thị và KCN; TCty Xăng dầu Quân đội; TCty 15 - Bộ Quốc phòng; TCty Công nghiệp Sài Gòn.
“Điểm nóng” không thể “tránh” được nhắc đến là việc các TĐ, TCT đưa vốn đầu tư ngoài ngành. Theo đó, giá trị các khoản đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng của các TÐ-TCTNN lần lượt tăng dần theo thời gian; năm 2006 là 6.114 tỷ đồng; năm 2007: 14.441 tỷ đồng; năm 2008: 19.840 tỷ đồng; năm 2009: 14.991 tỷ đồng; năm 2010: 21.814 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là lộ trình thoái vốn trong của các “ông lớn” chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra...
Tránh chuyện lời ăn, lỗ người dân chịu
Thua lỗ, nợ nần, việc tái cấu trúc lại mô hình hoạt động của khối DN này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Vốn sở hữu nhà nước chiếm ưu thế tại các TĐ, TCT nên việc điều hành tại các DN này nhiều khi còn biểu hiện hành chính, chưa thực sự tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường. Chủ sở hữu nhà nước tại TĐ chưa thực sự đủ thẩm quyền quyết định các vấn đề sáp nhập, giải thể do vậy TĐ không lớn mạnh được như kỳ vọng được đặt ra.
Hiện nay, còn nhiều sự bất cập và thiếu đồng bộ, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý hành chính nhà nước với quản lý của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nên các TĐ,TCT chưa thật sự hoạt động năng động và sáng tạo. Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình tái cơ cấu TĐ, TCT trước hết phải xây dựng được hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của các TĐ, TCT.
Đề xuất cụ thể hơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cách đi nhanh nhất cho việc tái cơ cấu DNNN là “tiến hành cổ phần hóa”. Theo ông Cung, một khi đã cổ phần hóa rồi thì Nhà nước sẽ không sở hữu nữa hoặc sở hữu rất thấp, DN đó sẽ hoạt động như một DN bình thường. Theo đó, sẽ không còn chuyện “bấu víu” vào nguồn “cứu trợ” của ngân sách mà buộc các doanh nghiệp này phải xác định "lãi hưởng, lỗ chịu”.
Theo nội dung của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cũng đã cơ bản hoàn thành của Bộ KH & ĐT, thì đề án này sẽ làm rõ những quan điểm, định hướng và giải pháp chủ yếu thực hiện cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy tái cấu trúc DN và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và của cả nền kinh tế...
Việt Hưng – Hằng Thu