Đề xuất chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con giáo viên gây tranh cãi

(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) mới đưa ra đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ mầm non đến đại học với tổng chi phí ước tính khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Đề xuất này đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận.

Ngày 8/10/2024, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Theo tính toán dựa trên độ tuổi của giáo viên và con cái họ, tổng chi phí có thể lên tới 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Điều này ngay lập tức thu hút sự chú ý từ dư luận, đặc biệt khi con số này là một khoản không nhỏ trong ngân sách quốc gia.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Laodong.vn)

Một số người đồng tình với đề xuất vì cho rằng đây là một chính sách nhân văn, nhằm thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với nhà giáo – những người đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục quốc gia. Việc miễn học phí sẽ giúp động viên giáo viên, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác. Ngoài ra, chính sách này cũng có thể là một biện pháp giúp thu hút nhân tài cho ngành giáo dục vốn đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên giỏi.

Tuy nhiên, phần lớn dư luận đều không đồng tình với đề xuất này. Nhiều ý kiến cho rằng nghề giáo không nên có đặc quyền riêng so với các ngành nghề khác và việc hỗ trợ tài chính nên hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thay vì áp dụng cho toàn bộ con cái của giáo viên.

Băn khoăn trước đề xuất của Bộ GD-ĐT, anh Đoàn Thanh Thạch (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) đặt câu hỏi: "Giáo viên đã có mức lương ổn định vậy tại sao lại cần đặc quyền này? Nếu miễn học phí cho con giáo viên, còn những người lao động trong những ngành nghề khác, đặc biệt là những lao động nghèo, làm nông vất vả mà không ổn định thu nhập thì sao?".

Chị Phạm Thị Hảo (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho rằng, không nên miễn học phí cho con giáo viên mà thay vào đó là giải pháp tăng lương cho giáo viên. Bởi khi có thu nhập cao hơn thì các vấn đề khác cũng được giải quyết.

Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt ra câu hỏi lớn về nguồn kinh phí chi cho đề xuất, có ý kiến lo ngại đây sẽ là tiền lệ cho các ngành khác. Theo anh Phan Bá Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc): "9.200 tỷ đồng là một khoản tiền rất lớn, nếu Bộ Giáo dục xin 9.200 tỷ, sau đó các ngành khác cũng xin đặc quyền tương tự, chẳng hạn như giảm giá điện cho công nhân ngành điện, Y tế xin cho người trong ngành được cấp phát thuốc miễn phí…, thì điều gì sẽ xảy ra?”.

Theo một số giáo viên, đề xuất này là không cần thiết. Bà Lã Minh Luận, cựu nhà giáo ở Hà Nội cho rằng, nếu được thực thi, chính sách này có thể tạo ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và các tầng lớp lao động khác trong xã hội. Đề xuất nên hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thay vì áp dụng cho toàn bộ con cái của giáo viên.

"Lương giáo viên hiện nay đã được tăng vì vậy không cần thiết phải miễn học phí cho con họ. Đối tượng cần miễn là các em vùng cao, vùng sâu, vùng xa… đang còn nghèo đói. Trong xã hội cũng còn rất nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn cũng cần được đặc biệt quan tâm và miễn học phí…”, bà Luận bày tỏ.

Thầy Lê Đình Hiển - giáo viên dạy Sử trường Tiểu học, THCS& THPT Đông Bắc Gia, ngôi trường đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá có đầy đủ cả ba cấp học, có cùng suy nghĩ: Nghề giáo không nên có đặc quyền, đặc lợi như vậy mà cần có sự bình đẳng như các nghề khác.

Theo thầy Hiển, không nên đưa quy định này thành thực tế. Nếu có thì hãy nêu quy định "miễn học phí cho con nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn". Bởi khi miễn học phí đại trà cho con nhà giáo sẽ xảy ra nhiều vấn đề pháp lý rắc rối, phức tạp mà chúng ta chưa thể lường hết được, cũng như sự phân biệt, kỳ thị giữa các đối tượng học sinh, làm mất bình đẳng trong giáo dục.

"Ngân sách nhà nước nên ưu tiên miễn giảm học phí cho con em các dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em mồ côi, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật... rồi sau đó có thể mở rộng dần đối tượng miễn giảm học phí. Làm sao để toàn dân được đi học mà không phải đóng học phí, học phí càng thấp càng tốt chứ không phải miễn cho đối tượng này hay đối tượng khác", nam giáo viên bày tỏ.

Không chỉ dừng lại ở đề xuất miễn học phí, dự thảo Luật Nhà giáo còn đề cập đến chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Cụ thể, bảng lương cho giáo viên mầm non và tiểu học công lập sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tính chất công việc. Theo đó, phụ cấp cho giáo viên mầm non sẽ tăng thêm 10%, và tiểu học tăng thêm 5%. Mức chi phí phát sinh từ việc điều chỉnh này ước tính lên tới 1.068 tỷ đồng/tháng, tức là 12.816 tỷ đồng/năm.

Dù có ý nghĩa nhất định, nhưng đề xuất này đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. Việc cân bằng lợi ích và sự công bằng trong chính sách là điều mà nhiều người dân mong đợi từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là một chính sách có tầm ảnh hưởng lớn như vậy.

Đọc thêm