Phần lớn DN đang khó khăn
Báo cáo khảo sát tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần 2 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy, 20% DN cho biết đã phải dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu chi và 2% DN đã giải thể. Chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng.
Những khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, phải chịu áp lực để đảm bảo tiền lương, trả bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền lãi vay ngân hàng và nợ gốc, các chi phí đầu vào...
Đặc biệt, một số hiệp hội cho hay tiền thuê đất phải trả năm 2020 tăng đột biến do một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính giá thuê đất... nên những DN sử dụng quỹ đất lớn, phải nộp tiền thuê tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm so với năm 2019 trở về trước.
Tác động của dịch Covid-19 trên diện rộng khiến thị trường khủng hoảng, nhiều DN phá sản, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... nên DN không có khả năng thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán.
Đáng chú ý, trong lần khảo sát này, chỉ có 7% DN trả lời có dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí. Tình trạng khó khăn này khiến 47% DN phải cắt giảm lao động, tỷ lệ DN cắt giảm trên 50% lao động, chiếm 33% số DN trả lời.
Chính sách phải thực
Một vấn đề hết sức đáng lưu tâm là trong lần khảo sát này đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều DN và hiệp hội DN khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới. Các DN cho biết, còn khó tiếp cận các chính sách của Chính phủ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn...
Chính vì vậy, trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng cải cách thủ tục hành chính đã bày tỏ mong muốn việc xây dựng các chính sách cần hướng tới củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho DN. Cùng với đó, cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch, thuận tiện, chú trọng cung cấp dạng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời áp dụng chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ.
Ban này cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh và giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý, đồng thời, giao các Bộ, ngành nghiên cứu tham mưu những chính sách giúp DN tiết giảm được dòng tiền chi ra để DN cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, duy trì sản xuất/kinh doanh và tái cấu trúc DN.
Trao đổi với PLVN về đề xuất chính sách hỗ trợ DN đợt 2, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng quan trọng nhất bây giờ là các chính sách hỗ trợ phải thực, phải củng cố lòng tin của DN.
Dẫn chứng chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, bản chất chỉ là lùi thời gian đóng tiền đến cuối năm, còn trước sau DN vẫn phải đóng. Trong khi thực tế hiện nay DN đang rất khó khăn và dự kiến khó khăn này còn kéo dài đến hết năm sau.
Nhắc lại chính sách cho phép DN lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 với các DN có 50% số lao động đóng BHXH phải nghỉ việc của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua, chuyên gia này cho rằng đây là kiểu chính sách “khuyến khích DN sa thải lao động” chứ không phải hỗ trợ DN duy trì việc làm và lao động. Bởi theo ông. một khi DN có đến 50% số lao động đóng BHXH phải nghỉ việc thì “DN phá sản đến nơi rồi”.
“Rất nhiều DN, Hiệp hội DN lên tiếng nhưng tôi không hiểu vì sao chính sách này vẫn không được sửa đổi. Tình hình bây giờ khác so với trước rồi. Sau 2 đợt Covid-19, DN khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều DN không có tiền để trả lương cho người lao động thì làm sao có tiền đóng phí công đoàn?”- ông Cung nói.
Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, khi được hỏi cần gì nhất, các DN đều nói không xin tiền mà chỉ xin cơ chế. “Điều mong muốn của cộng đồng DN là đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế; phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...”, ông Lộc nói.
Theo đó, DN kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn”, ông Lộc nhấn mạnh.