Làm rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện chậm
Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.
“Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng) trong khi thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023), có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được QH thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết nghị một số nội dung theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với một số vấn đề cấp bách, cần triển khai ngay.
Cùng với đó, cho ý kiến để Chính phủ báo cáo QH xem xét, quyết định đối với một số nội dung khác, trong đó có cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được QH quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tại phiên họp. |
Bổ sung đánh giá tác động đối với việc gia hạn tiếp chính sách
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế ghi nhận nhiều kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa.
Song, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra rằng, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại giải ngân chỉ đạt 1,95% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Chương trình đạt khoảng 19,3%...
Có gói hỗ trợ kinh phí tồn dư nhiều, thời gian kết thúc chính sách đã lâu, nhưng Chính phủ chậm đề xuất phương án xử lý như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong khi nhiều chính sách xã hội khác có nhu cầu nhưng thiếu kinh phí hoặc có kinh phí hạn chế, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm.
“Ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, thách thức; để kích cầu tiêu dùng, đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp chính sách.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của QH là chủ trương đúng đắn, kịp thời. Chính phủ và các cơ quan đã triển khai thực hiện, đem lại nhiều kết quả tích cực như được nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm, tâm huyết của Chính phủ, các cơ quan trong việc thực hiện Nghị quyết nêu trên, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cơ bản tán thành với các đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Dẫn thông tin trong báo cáo của Chính phủ về giải ngân cho chính sách cho vay, giải quyết việc làm đạt 10.000 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), cho thấy công tác này được triển khai tốt, song ông Bùi Văn Cường đề nghị đánh giá thêm về hiệu quả của việc giải ngân, làm rõ việc này có đạt được mục tiêu thực hiện chính sách như kỳ vọng hay không.
Về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; và trình QH hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023 (dự kiến khoảng 38.592 tỷ đồng), ông Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế, theo đó đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15; khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình thì hủy dự toán, kế hoạch vốn theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách Nhà nước.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH cũng tán thành với đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025 để đảm bảo hiệu quả của Chương trình và hiệu quả sử dụng vốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết, Chương trình được xây dựng và ban hành trong thời gian ngắn, để đáp ứng diễn biến nhanh của nền kinh tế trong khi cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư cũng như thực hiện các bước chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng bản quy mô lớn.
Do đó, ông Lê Quang Mạnh cũng đề nghị UBTVQH xem xét việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với phần vốn còn dư.