Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai chỉ có 83 điều (gồm 95 nội dung) giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Vì vậy, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 là cần thiết để đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Đồng thời, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển.
Theo các thành viên Hội đồng thẩm định, một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tính khả thi của Luật khi đẩy sớm thời điểm có hiệu lực là tiến độ soạn thảo và chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành. Theo đại diện Bộ Xây dựng, để kịp thời điểm Luật có hiệu lực vào 01/07/2024, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình ban hành hoặc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; từ đó làm cơ sở để các địa phương xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao theo thẩm quyền trong Luật Đất đai. Tuy nhiên, việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến tính chính xác và chất lượng văn bản. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ khả năng bảo đảm việc các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu lực cùng thời điểm Luật có hiệu lực.
Nhất trí với ý kiến trên, đại diện Bộ Nội vụ và đại diện Bộ Công an cho biết, bên cạnh những lợi ích đem lại, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần đánh giá các tác động tiêu cực, hạn chế khi đẩy sớm thời điểm thi hành Luật Đất đai và đề xuất các giải pháp khắc phục; đồng thời đánh giá các điều kiện về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nguồn lực kinh tế để triển khai thi hành luật, đặc biệt là tại các địa phương.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nêu và phân tích cụ thể những yêu cầu thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 để Luật có hiệu lực sớm hơn so với quy định; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận;…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định. Để hoàn thiện hồ sơ thẩm định, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra lập luận chặt chẽ, làm rõ các ưu, nhược điểm của việc đẩy sớm thời điểm thi hành Luật Đất đai. Các phân tích này phải đi kèm với số liệu cụ thể về số lượng, tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương; đánh giá các điều kiện đảm bảo thi hành Luật và rà soát các điều khoản chuyển tiếp…