Đề xuất dạy tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo

(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đang lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo (Chương trình). Theo đó, Chương trình được xây dựng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 - 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu.
Hình minh họa

Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho biết, Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.

Theo Dự thảo, Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Dự thảo cũng nêu rõ, điều kiện áp dụng Chương trình là chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này và sự tự nguyện của gia đình trẻ. Bên cạnh đó, hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Mục tiêu đặt ra là khi hoàn thành Chương trình, trẻ có thể: Nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp.

Về giáo viên, Dự thảo quy định, giáo viên người Việt Nam đủ điều kiện tham gia tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh khi đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn sau: Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức…

Đối với giáo viên nước ngoài là người bản ngữ: Cần có bằng cao đẳng trở lên, có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được công nhận; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non.

Về nguyên tắc chung và phân bổ thời lượng thực hiện Chương trình, Dự thảo hướng dẫn, tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút. 

Đồng thời, tùy từng điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được tổ chức vào thời điểm khác nhau phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu của việc làm quen với tiếng Anh, cũng như mục tiêu chương trình giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, phối hợp các hình thức tổ chức hoạt động trong lớp, ngoài lớp; hoạt động có chủ định của giáo viên và theo ý thích của trẻ; hoạt động cá nhân, theo nhóm, cả lớp một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của trẻ; Chú trọng phát triển năng lực giao tiếp thông qua kĩ năng nghe và nói; Theo dõi và kịp thời hỗ trợ trẻ giao tiếp, tương tác bằng tiếng Anh.

Theo đó, tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai Chương trình phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt. Các cơ sở giáo dục mầm non được phép lựa chọn các tài liệu, học liệu đã được thẩm định hoặc phê duyệt để tổ chức hoạt động làm quen với tiếng Anh theo nhu cầu và điều kiện triển khai thực tế.

Sau đó, căn cứ Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo do Bộ GD&ĐT ban hành, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu xã hội; kiểm tra giám sát, quản lý việc tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tính tự nguyện tham gia của người học, chất lượng và hiệu quả.

Phòng GD&ĐT các quận/huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp nhu cầu của gia đình trẻ. 

Đọc thêm