Đề xuất để các bệnh viện y học cổ truyền thực hiện cách ly, chăm sóc các bệnh nhân Covid 19 không triệu chứng

0:00 / 0:00
0:00
"Các bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh và các trạm y tế xã phường là những cơ sở y tế có các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ là người điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo phác đồ điều trị COVID-19 được ban hành, phối hợp với các phương pháp y học cổ truyền và chủ động nắm bắt diễn biến bệnh lý, kịp thời chuyển tuyến nếu cần", TS Phùng Tuấn Giang nêu căn cứ cho đề xuất của mình.
Ảnh minh họa: VietNamNet.
Ảnh minh họa: VietNamNet.

Xin dẫn bài của TS Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đề xuất đưa bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh và các trạm y tế xã phường thành nơi cách ly F0 không triệu chứng:

Tại Việt Nam đã áp dụng thử nghiệm cách ly một số trường hợp F0 không có triệu chứng tại nhà với mục đích giảm tải cho ngành y tế. Tuy nhiên, COVID-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp diễn biến phức tạp. Không loại trừ được khả năng các biểu hiện nặng xuất hiện nhanh chóng, người bệnh không kịp thời liên hệ với cơ quan y tế sẽ có thể gây ra trường hợp đáng tiếc.

Hơn nữa, để bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh cần phải áp dụng thêm các phương pháp y học cổ truyền như uống thuốc, xông tắm thảo dược, trà thảo dược, tập khí công, chườm nóng… mà không phải ai cũng tự thực hiện tốt được.

Trước tình hình đó, chúng ta nên nghĩ đến việc đưa các bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh và các trạm y tế xã phường thành nơi cách ly F0 không triệu chứng. Đó là những cơ sở y tế có các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ là người điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo phác đồ điều trị COVID-19 được ban hành, phối hợp với các phương pháp y học cổ truyền và chủ động nắm bắt diễn biến bệnh lý, kịp thời chuyển tuyến nếu cần.

Ngoài các loại thuốc tân dược, các bệnh viện y học cổ truyền luôn có sẵn dược liệu để kê đơn bốc thuốc, các loại thuốc viên nang, viên hoàn, cao đặc, siro, xịt mũi họng, viên ngậm ho… lưu hành nội bộ có thể áp dụng hỗ trợ điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ y tế.

Thuốc y học cổ truyền phù hợp bệnh nhân nhẹ

Dựa vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ ra phương pháp điều trị phù hợp. Các bài thuốc điều trị COVID-19 giai đoạn khởi phát như Ngân kiều tán, Tang cúc ẩm, Sâm tô tán, Nhân sâm bại độc tán, Hạnh tô tán… gia giảm. Cần gia thêm các vị thuốc có tác dụng ức chế virus như thanh hao hoa vàng, xuyên tâm liên, kim ngân hoa…

Các bài thuốc điều trị COVID-19 giai đoạn toàn phát như: Ma hạnh thạch cam thang, Điều vị thừa khí thang, Cát căn cầm liên thang, Thanh dinh thang, Thanh phế bài độc thang, Thanh phế bài độc phù chính thang, Hao cầm thanh đởm thanh, Thanh hao miết giáp thang… gia giảm. Cần gia thêm các vị thuốc có tác dụng ức chế virus như thanh hao hoa vàng, xuyên tâm liên, kim ngân hoa…

Các bài thuốc điều trị COVID-19 giai đoạn hồi phục như: Bảo nguyên thang, Thập toàn đại bổ, Sinh mạch tán, Nhân sâm dưỡng vinh thang, dưỡng âm thanh thế thang… gia giảm.

Hầu hết các bệnh viện y học cổ truyền đều có hệ thống sắc thuốc sẵn cho bệnh nhân, có thể cấp phát thuốc sắc theo ngày, sẽ đảm bảo được liệu trình điều trị.

Các bệnh viện y học cổ truyền cần lưu ý thực hiện các quy định về bào chế, sản xuất thuốc trong bệnh viện đảm bảo chất lượng. Khi cần có thể huy động thêm nguồn dược liệu từ các công ty, hợp tác xã trồng dược liệu, các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền. Không tăng giá dược liệu, giá thuốc cổ truyền liên quan đến phòng chống COVID-19 nhằm trục lợi.

Các phương pháp y học cổ truyền khác

Theo hướng dẫn của công văn 1306/BYT – YDCT về việc tăng cường phòng chống viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và phương pháp y học cổ truyền của Bộ Y tế, ngoài thuốc uống, các phương pháp y học cổ truyền khác gồm có: xông không khí bằng thảo dược, tinh dầu thảo dược; vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, xịt mũi họng, súc họng bằng thuốc cổ truyền tại bệnh viện; xông tắm thảo dược, giống như xông giải cảm; khí công, dưỡng sinh hoặc tác động huyệt như bấm huyệt, châm cứu hay sử dụng túi chườm hoặc nắm chườm thảo dược nóng để chườm vùng sống lưng, vùng cơ đau mỏi của bệnh nhân.

Chính vì vậy, để giảm tải cho các bệnh viện y học hiện đại, các bệnh viện y học cổ truyền có thể tham gia chống dịch tích cực. Ngoài ra, có thể sử dụng các trạm y tế xã phường để cách ly các trường hợp F0 không có triệu chứng như bệnh viện y học cổ truyền và được sự hỗ trợ thêm của các cán bộ y tế trong lĩnh vực này.

Cần điều trị miễn phí thuốc y học cổ truyền cho nhân dân, để người nghèo cũng có cơ hội được điều trị bệnh. Như vậy, nên đưa các bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh và các trạm y tế xã phường thành nơi cách ly và điều trị F0 không triệu chứng.

Đọc thêm