Đề xuất giải pháp xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đổi mới sáng tạo

(PLVN) -  Ngày 29/9, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2023 với chủ đề "Khát vọng sông Hàn - Khơi nguồn sáng tạo" và thông điệp "Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo" chính thức khai mạc với hơn 80 gian hàng của các dự án, doanh nghiệp tham gia trực tiếp.
Khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đây là sự kiện thường niên dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; quy tụ sự tham gia, kết nối nhiều thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, chuỗi sự kiện kéo dài từ nay đến hết ngày 31/12. Thông qua sự kiện này, Đà Nẵng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh liên kết các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST, liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời tiếp cận với các nguồn lực chuyên gia, các nhà đầu tư, nguồn vốn và công nghệ trong nước và quốc tế; thu hút và phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố.

Lễ kí kết hợp tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng và các đơn vị.

Lễ kí kết hợp tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng và các đơn vị.

Tại SURF 2023 sẽ diễn ra các hoạt động: Phiên khai mạc; 3 Hội thảo khoa học trực tiếp kết hợp trực tuyến về: Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo; Khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hội nhập quốc tế của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương trong bối cảnh toàn cầu hoá với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ngày hội còn có không gian triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hơn 80 gian hàng của các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia trực tiếp.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc SURF 2023.
Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu khai mạc SURF 2023.

Đặc biệt, tại Hội thảo "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo", các đại biểu trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đổi mới sáng tạo, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO (UCCN) gắn liền chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Theo ông Võ Đức Anh - Phó Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND thành phố phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện thí điểm "Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ở địa phương" tại 20 tỉnh, thành phố.

Kết quả, Đà Nẵng xếp hạng thứ 2 và cũng trong năm này, thành phố lần thứ 2 nhận được danh hiệu "Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam xét tặng.

Ra mắt Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul.

Ra mắt Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - Seoul.

Ông Võ Đức Anh cho biết, Đà Nẵng định hướng tham gia UCCN theo lĩnh vực nghệ thuật truyền thông, điều này sẽ xây dựng thành phố thành điểm kết nối, thu hút hợp tác từ các thành phố khác trên thế giới, tạo cơ hội hợp tác và học hỏi lẫn nhau.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Đà Nẵng đang có những cơ hội và thách thức để phát triển công nghệ thiết kế vi mạch và bán dẫn sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Theo ông Tuyên, Đà Nẵng cần tăng cường đầu tư cho đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu - phát triển; thu hút doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đào tạo, tập huấn cho các kỹ sư thiết kế Việt Nam…

Ngoài ra, nếu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch, bán dẫn khu vực, Đà Nẵng phải thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, Việt kiều tại các nước tiên tiến tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn…

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ mô hình sandbox thu hút các đơn vị khởi nghiệp, nguồn lực về Đà Nẵng, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đề xuất Đà Nẵng cần có chính sách cho phép tiên phong thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại địa phương, ví dụ như: Chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo - AI, tương tác từ xa...

Đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, phân phối, siêu thị; mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy sản phẩm OCOP địa phương; xây dựng bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực.

Đọc thêm