Đề xuất giảm thuế phòng vệ để giảm giá thép

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam đang chịu thuế 13,5%, thép dài chịu thuế 9,4%. Đây là một trong những biện pháp phòng vệ thương mại mà Bộ Công Thương đang áp dụng để bảo vệ nền sản xuất thép trong nước. Nhiều doanh nghiệp muốn giảm mức thuế này để kích thích giá thép trong nước giảm giá.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Sắc thuế bảo vệ doanh nghiệp thép

Ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 918/QĐ-BCT về việc tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu (NK) vào Việt Nam thêm 3 năm. Theo đó, các chủng loại phôi thép NK được áp dụng mức thuế suất thuế tự vệ ở mức 15,3% từ ngày 22/3/2020 đến ngày 21/3/2021; 13,3% từ ngày 22/3/2021 đến ngày 21/3/2022 và 11,3% từ ngày 22/3/2022 đến ngày 21/3/2023. Còn đối với các sản phẩm thép dài NK vào Việt Nam, mức thuế tự vệ được áp dụng tương ứng cho từng giai đoạn là 9,4%; 7,9% và 6,4%.

Như vậy, hiện phôi thép NK vào Việt Nam chịu thuế tự vệ 13,5%, thép dài chịu 9,4%. Mục đích của sắc thuế này nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất thép trong nước.

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) này là một trong những nguyên nhân đẩy giá thép trong nước lên cao. Chia sẻ với PLVN, một lãnh đạo VINACONEXT cho rằng, muốn giải quyết vấn đề giá thép tăng cao như hiện nay cần giải quyết từ gốc rễ. Biện pháp PVTM trên của Bộ Công Thương chính là một phần gốc rễ của vấn đề. Theo vị này, việc đánh thuế phôi thép và thép dài khi nhập vào Việt Nam nhằm bảo hộ cho DN thép trong nước. Khi ấy, thép nước ngoài khó tiếp cận thị trường Việt Nam hơn, từ đó giá thép trong nước được một số DN đầu ngành có cơ hội tăng lên.

Vị này phân tích thêm, hiện thép ở Việt Nam cơ bản NK nhiều và chỉ có một số ít DN sản xuất được phôi thép. Ví dụ, Tập đoàn Hòa Phát tự sản xuất được phôi thép còn đa số các nhà máy khác phải nhập phôi thép. “Nhập từ nước ngoài vào đánh thuế 13 - 15%, còn trong nước thì không đánh thuế. Như vậy, Hòa Phát nghiễm nhiên được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ” - vị này nói và đề nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại mức thuế PVTM này.

Giá thép vẫn ở mức cao

Theo tìm hiểu, trong tuần qua, giá thép đã “hạ nhiệt” đôi chút, tuy nhiên vẫn ở mức rất cao so với năm ngoái. Hiện giá thép xây dựng vẫn ở mức hơn 17.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái, thời điểm giá cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 14.000 đồng/kg.

Ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO 4 cho rằng, giá thép tăng như hiện nay rất đáng ngờ, có thể có sự tác động của bàn tay con người chứ không phải thị trường tự nhiên chi phối. Theo ông Thọ, không chỉ người dân, DN mà Nhà nước cũng chịu thiệt khi giá thép tăng cao. Bởi các dự án hạ tầng chủ yếu là dự án đầu tư công, khi thép tăng giá, các hợp đồng xây lắp tại các dự án công sẽ được điều chỉnh, cuối cùng là Nhà nước bỏ tiền bù vào. “Để giá thép ổn định, tránh việc Nhà nước, DN và người dân bị “móc túi”, cần có sự điều tiết và vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước” - ông Thọ đề xuất.

Hiện một số DN thép trong nước đang đạt mức lãi rất cao. Điển hình, Tập đoàn Hòa Phát trong quý I/2021 đạt doanh thu 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều DN xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, giải ngân thấp do nhà thầu thực hiện cầm chừng chờ giá thép giảm.

Ông Trương Bá Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các DN sản xuất thép, từ đó làm giảm giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.

Đọc thêm