Đề xuất kéo dài ưu đãi giá với điện gió

(PLVN) - Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về việc kéo dài thời gian áp dụng giá FIT (cơ chế giá ưu đãi) cho điện gió. Tuy nhiên, Bộ này lại đề nghị giảm giá FIT từ 12-17% khiến cho các nhà đầu tư (NĐT) “như ngồi trên lửa”.  
Đầu tư điện gió gặp nhiều khó khăn hơn so với điện mặt trời.
Đầu tư điện gió gặp nhiều khó khăn hơn so với điện mặt trời.

Thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, đơn vị liên quan đề nghị cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án điện gió. Trong Dự thảo này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đến hết năm 2023 (mức giá ưu đãi hiện hành được kéo dài đến ngày 1/11/2021).

Tuy nhiên, mức giá mà Bộ Công Thương đề xuất lại giảm khá mạnh so với giá FIT sẽ kết thúc vào ngày 1/11/2021. Cụ thể, các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cents/kWh cho điện gió mặt đất (trước đấy giá FIT là 8,5 cents/kWh) và 8,47 cents/kWh cho các điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ (trước đấy giá FIT là 9,8 cents/kWh). Các dự án vận hành từ năm 2023 sẽ áp dụng mức giá lần lượt 6,81 cents và 8,21 cents/kWh.

Đại diện một NĐT cho rằng, giá điện gió giảm mạnh, lên đến 17% giai đoạn đến năm 2023 và giảm đến 25% sau năm 2023 sẽ khó có thể thu hút được các NĐT. Bởi các dự án điện gió có nguồn gió tốt đã được phát hiện và đầu tư rất nhiều, những dự án về sau khó có thể tìm kiếm được nguồn gió lớn nữa. Trong khi đó, chi phí đầu tư điện gió ở Việt Nam không hề thấp. 

Giám đốc một DN (đề nghị không nêu tên) đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) cho biết, với các mức giá đề xuất cho điện gió mà Bộ Công Thương đưa ra sẽ khiến cho DN gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, dẫn đến việc sẽ khó phát triển tiếp nguồn NLTT trong khi Nghị quyết 55 đang ưu tiên cho phát triển NLTT. 

Vị giám đốc này lý giải, hiện chi phí đất đai đang tăng lên, thời gian giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt dự án xây dựng, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện và các thỏa thuận khác mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 trên toàn cầu dẫn đến chậm trễ trong việc cung cấp thiết bị điện gió, thi công, vận chuyển và lắp đặt, ảnh hưởng nặng đến thời gian thi công của các dự án. Việc nhiều dự án “trượt” tiến độ ngày 1/11/2021 là hiện hữu. 

Do đó, nếu giảm ngay giá FIT sau thời điểm nêu trên sẽ khiến DN thiệt hại rất nặng nề do các tính toán trước đó không hề tính đến thời gian chậm trễ do dịch bệnh. Ví dụ, với mức giá mới mà Bộ Công Thương đề xuất, một dự án điện gió gần bờ có công suất 48MW mất khoảng 50 tỷ doanh thu/1 năm trong khi việc không kịp vận hành trước thời điểm 1/11/2021 là do nguyên nhân khách quan.

Kiến nghị giữ nguyên giá FIT hiện hành

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đầu tư NLTT hiện đang gặp vướng về vấn đề cơ chế giá. Do đó, Hiệp hội đề nghị “Trong khi chưa ban hành và chưa thực hiện được quy chế đấu thầu giá mua nguồn điện NLTT thì kéo dài giá FIT đối với nguồn năng lượng này. Cụ thể, giá FIT cho điện gió kéo dài đến hết năm 2021 và giữ nguyên giá FIT cho đến khi thực hiện được việc đấu thầu rộng rãi”. 

Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản gửi đến Bộ Công Thương nêu rõ, Dự thảo giá FIT mới đưa ra trong bối cảnh điện gió Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn do các ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, giá cơ sở để tính toán đầu vào các dự án điện gió so với thời điểm ban hành giá FIT hiện hành (năm 2018) không có nhiều biến động, thậm chí tăng lên. Việc sau hơn 10 năm có chính sách ưu tiên phát triển của Chính phủ mà điện gió chỉ mới vận hành được 470 MW, đạt hơn 50% quy hoạch được duyệt (800 MW vào năm 2020) là minh chứng rõ nhất cho những khó khăn trong phát triển điện gió.

Vì thế, Hiệp hội này cho rằng, đề xuất giá FIT mới cho điện gió giảm gần 20% của Bộ Công Thương là không khả thi. “Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá này thì đây không phải là “phương án giải quyết khó khăn” như tiêu đề của báo cáo, mà là “khó khăn thách thức mới” cho đầu tư xây dựng các dự án điện gió tại Vệt Nam, không khuyến khích các NĐT trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng của Việt Nam và đang là xu thế của thế giới” (theo văn bản của Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận).

Do đó, để điện gió Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng, các NĐT điện gió kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn giá FIT hiện hành đến cuối 2022. Sau năm 2022, tiếp tục duy trì giá FIT thay đổi theo thời gian, theo vùng miền để khuyến khích và định hướng đầu tư; Đồng thời sớm ban hành cơ chế đấu giá cho điện gió trên bờ và chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay.

Đọc thêm