Đề xuất mở rộng quy định với 13 loại chi phí tố tụng

(PLVN) - Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo đã đề xuất mở rộng quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 13/12. (Ảnh: Nghĩa Đức)
Quang cảnh phiên làm việc chiều 13/12. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Chiều 13/12, tiếp tục Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Sau khi nghe Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã thay mặt cơ quan thẩm tra trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh. Theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng nhằm thực hiện quy định tại Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính và tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả.

Về các loại chi phí tố tụng, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng hiện hành chỉ quy định đối với 4 loại chi phí tố tụng gồm chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật, do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

Tuy nhiên, 4 loại chi phí gồm: Chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, chi phí xác minh tài liệu, chứng cứ; Chi phí sao chụp tài liệu; Chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng thì một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định trong Pháp lệnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, riêng về Danh mục chi phí thù lao và phụ cấp xét xử ban hành kèm theo Pháp lệnh, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với chủ trương sửa đổi, nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều nên đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có ý kiến đối với Danh mục này…

Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh, Chủ tịch QH ủng hộ những chi phí nào để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng thì phải đảm bảo tối đa theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, kinh nghiệm thế giới. Lưu ý về tính khả thi của dự án Pháp lệnh, Chủ tịch QH gợi ý, nên chăng Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan phải quy định mức chi và dự toán chi cụ thể.

Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng phải có ý kiến đối với dự án Pháp lệnh này. Đồng thời, nhấn mạnh tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho ngành Tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đảm bảo tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: Phạm Thắng)

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: Phạm Thắng)

Cho rằng các vấn đề Chủ tịch QH đặt ra rất lớn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo thêm về vấn đề giao nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính là giao cho UBTVQH hướng dẫn về chi phí. Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự không giao cho UBTVQH hướng dẫn nhưng theo truyền thống pháp lý, Pháp lệnh số 02 từ nhiều năm nay đã đáp ứng việc này và trên thực tế nếu không quy định thì sẽ vướng ở hiện tại và trong tương lai còn vướng hơn nữa.

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 135 khoản 4 mục c có quy định về các chi phí khác. Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, hiện chúng ta chưa có hướng dẫn về các chi phí khác, trong khi thực tế các chi phí khác hiện nay ngày càng lớn.

“Ví dụ các vụ lừa đảo qua mạng, nạn nhân là hàng chục nghìn người, nếu tống đạt giấy tờ cho hàng chục nghìn nạn nhân thì sẽ rất vất vả cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Đây chính là các chi phí khác trong thực tiễn và đang ngày càng nhiều, phức tạp. Công an và Viện kiểm sát không thể hoạch định được một năm có bao nhiêu vụ án lừa đảo qua mạng. Đây cũng là bài toán thực tiễn, nếu chúng ta không quy định thì sẽ rất khó”, Chánh án TANDTC dẫn chứng.

Do đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị và mong muốn UBTVQH ủng hộ việc quy định thêm các chi phí khác vào dự thảo Pháp lệnh. Nếu phát sinh thêm trong thực tiễn các chi phí khác thì sau này sẽ tiếp tục báo cáo UBTVQH.

Đọc thêm