Điều kiện thành lập thương nhân đầu mối
Hiện toàn quốc có 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu (KDXD), trong đó có 3 đầu mối phục vụ nhiên liệu bay, còn lại 33 đầu mối thực hiện nhập khẩu, phân phối cho toàn bộ thị trường XD trong nước, từ sản xuất đến tiêu dùng. Thời gian vừa qua, lãnh đạo 2 đầu mối KDXD đã bị khởi tố, pháp nhân 2 đầu mối đã bị tước giấy phép KDXD. Như vậy, hiện trên thị trường chỉ còn 31 đầu mối KDXD.
Tính đến nay, KDXD được quản lý bằng 3 nghị định, bao gồm Nghị định 83 (ban hành năm 2014), Nghị định 95 (ban hành năm 2021) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 80 (ban hành năm 2022) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và 95.
Trong dự thảo Nghị định mới về KDXD (nhằm thay thế hoàn toàn 3 nghị định KDXD hiện hành), Bộ Công Thương đưa ra điều kiện đối với thương nhân đầu mối KDXD “là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 3 năm liền kề, không bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm, trong đó có hình thức tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối XD”.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, doanh nghiệp (DN) muốn trở thành đầu mối KDXD phải có kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa XD, tình hình thực hiện tổng nguồn XD, xuất - nhập - tiêu thụ XD, dự trữ XD và các tiêu chí khác do Bộ Công Thương quy định; Và phải hoàn thành kết nối này trong thời gian 24 tháng kể từ ngày nghị định mới có hiệu lực thi hành. Do đó, thương nhân đề nghị cấp mới Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối KDXD phải thực hiện ngay quy định này. Cùng với đó, phải nộp bản sao công chứng về việc kết nối này.
Dự thảo Nghị định mới cũng quy định về thương nhân bán lẻ XD. Theo đó, DN đáp ứng tiêu chí thương nhân bán lẻ XD phải có văn bản thỏa thuận nguyên tắc một trong ba hình thức gồm mua bán XD, ký với thương nhân đầu mối KDXD hoặc thương nhân phân phối XD để bán lẻ tại hệ thống cửa hàng bán lẻ; hoặc nhận làm đại lý bán lẻ XD cho thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối XD; hoặc nhận quyền bán lẻ XD cho thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định giá bán lẻ của thương nhân bán lẻ XD được thực hiện theo thỏa thuận giữa thương nhân bán lẻ với thương nhân phân phối XD hoặc thương nhân đầu mối KDXD nhưng không được cao hơn giá bán tối đa theo quy định.
Điều chỉnh giá bán xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần
Theo dự thảo Nghị định mới, giá bán XD được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá XD thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và thương nhân đầu mối KDXD và thương nhân phân phối XD được quyền quyết định giá bán buôn. Đồng thời tự quyết định giá bán XD trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại DN nhưng không cao hơn giá bán XD tối đa theo quy định.
Đáng chú ý, dự thảo quy định “thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối XD thực hiện điều chỉnh giá bán XD theo chu kỳ 15 ngày/lần, bắt đầu tính từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. Trường hợp thời gian điều chỉnh giá trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày liền kề trước đó. Nếu thời gian điều chỉnh giá rơi vào ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.
Một điểm mới đáng chú ý nữa trong dự thảo lần này là việc quy định định mức chi phí kinh doanh. Theo đó, nếu bình quân giá XD thế giới 15 ngày đạt mức 30 USD/thùng thì tỷ lệ chi phí kinh doanh tối đa là 20%; nếu giá từ 30 - 60 USD/thùng thì tỷ lệ chi phí kinh doanh tối đa còn 10%. Khi giá thế giới từ 60 - 90 USD/thùng thì tỷ lệ này giảm còn 7%; từ 90 - 120 USD/thùng thì tỷ lệ chi phí kinh doanh tối đa là 5% và sẽ còn 4% khi giá thế giới trên 120 USD/thùng (ở các nghị định hiện nay, chi phí này được quy định cụ thể bằng đồng VND).
Tuy nhiên, dự thảo có quy định “trường hợp tỷ lệ % chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tỷ lệ % chi phí kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế”.
Theo một chuyên gia về quản lý giá, cần áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với KDXD thông qua việc đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá. Cần bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành về việc Nhà nước công bố các chỉ tiêu tính giá để DN thực hiện. Thay vào đó, Nhà nước điều tiết giá chủ yếu bằng giải pháp điều hòa cung - cầu, thuế, phí và các biện pháp tài chính, tiền tệ khác…