Đề xuất ’nới’ quy định về điều kiện sa thải lao động

Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đề xuất Nhà nước cần sửa đổi quy định của Bộ luật Lao động về điều kiện sa thải người lao động theo hướng: các điều kiện, trình tự, thủ tục sa thải đơn giản hơn và thuận lợi hơn cho chủ DN.

Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đề xuất Nhà nước cần sửa đổi quy định của Bộ luật Lao động về điều kiện sa thải người lao động theo hướng: các điều kiện, trình tự, thủ tục sa thải đơn giản hơn và thuận lợi hơn cho chủ DN.

Lựa chọn “chẳng đặng đừng”

Đề xuất này được đưa ra trong khuôn khổ báo cáo rà soát một số lĩnh vực chính sách chính ảnh hưởng tới khu vực kinh tế tư nhân.  Lý do, theo các tác giả báo cáo, hoạt động kinh doanh thường gắn với việc phải ra các quyết định sa thải nhân viên, đặc biệt trong giai đoạn kinh doanh suy thoái hoặc trong trường hợp nhân viên không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam quy định quá chặt chẽ về điều kiện sa thải người lao động, đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp cũng như các DN, trong đó có DNTN. Ở Việt Nam, đột ngột cho người lao động thôi việc luôn đặt DN vào khả năng bị khiếu kiện.

Do suy thoái kinh tế toàn cầu, trong năm 2008 và 2009, nhiều DN đã thu hẹp doanh số và doanh thu, giảm quy mô sản xuất, giảm thời gian làm việc và sa thải lao động. Trong năm 2008, 22,3% số doanh nghiệp được điều tra đã cắt giảm lực lượng lao động, tương tự, năm 2009 giảm 24,8% DN. Bên cạnh đó, cũng có một số DN tăng quy mô sử dụng lao động. 

 

Để giữ chân được những người lao động có tay nghề cao, DN đã phải sử dụng hàng loạt chiến lược như luân phiên lao động, giảm số giờ làm việc và các ca kíp, tăng thời gian nghỉ phép. Đó là các DN áp dụng các giải pháp tích cực, nhưng cũng có nhiều DN áp dụng các giải pháp không thỏa đáng như không trả lương hoặc chỉ trả 70% cho hoặc buộc người lao động nghỉ dài hạn không lương, hoặc hưởng lương một phần đề tạo sức ép cho người lao động tự rời bỏ DN.

“Nếu Cty đang gặp khó khăn, việc sa thải nhân viên là để nó hoạt động hiệu quả hơn. Kinh tế khủng hoảng, lợi nhuận đi xuống và áp lực cắt giảm chi phí sản xuất đè nặng lên vai các chủ DN. Trên thế giới, ngày càng nhiều Cty đang lựa chọn việc cắt giảm quy mô lao động như cách tốt nhất có thể vượt qua thời điểm khó khăn này” – Tổ công tác này nhận định.  

Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung năm 2002 thì người sử dụng lao động chỉ có quyền sa thải người lao động trong một số  trường hợp hạn chế. Nếu không thuộc những trường hợp này thì việc sa thải người lao động của người sử dụng lao động là trái với quy định của pháp luật. Khi đó, người lao động có thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Coi chừng “những chi phí không nhìn thấy”

Điều này đẩy giới chủ mượn đến các biện pháp lách luật tiêu cực. Trên thực tế, nhiều  DNTN không ký HĐLĐ để không phải thực hiện thủ tục sa thải… Trong trường hợp như vậy, ảnh hưởng đến quyền lợi của người  lao động như chính sách tiền lương, chính sách đào tạo nghề của DN và khó nâng cao năng suất lao động.

Tổ Công tác nhận thấy, Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 về hỗ trợ người lao động mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế tuy chủ trương tốt nhưng khi thực thi lại có vấn đề vì chỉ có một lượng rất nhỏ người lao động được hưởng lợi. 

Nhóm tác giả báo cáo cho rằng, Nhà nước cần sửa đổi quy định của Bộ luật lao động về điều kiện sa thải người lao động theo hướng: các điều kiện, trình tự, thủ tục sa thải đơn giản hơn và thuận lợi hơn cho chủ doanh nghiệp.

Bởi lẽ, chủ DN phải sử dụng hiệu quả đồng vốn của họ, phải tiết kiệm các chi phí, trong đó có chi phí tiền lương để đầu tư vào việc nâng cao thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, hoặc nếu như việc tuyển dụng lao động thạo nghề là khó khăn ở Việt Nam thì chủ DN cũng phải được tạo cơ hội tìm được nguồn nhân lực phù hợp ở thời điểm thích hợp, do đó, việc sa thải là cần thiết đối với DN. Chính sách của Nhà nước, các quy định về sa thải người lao động phải bảo đảm cân bằng lợi ích của chủ DN và người lao động.

Về phía các DN, nghiên cứu này lưu ý, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, DN có thể phải sa thải nhân viên nhưng việc sa thải nhân viên không hẳn là giải pháp tốt nhất. Nhiều chuyên gia cho rằng việc làm này thật ra chiếm một chi phí rất lớn về sau này (khi kinh tế hồi phục, DN sẽ phải đăng thông báo tuyển dụng nhân viên mới, phải phỏng vấn và sau đó là đào tạo họ, trong khi đó, ứng viên có khả năng làm việc và kỹ năng quan hệ khách hàng tốt không phải dễ kiếm).

Sa thải nhân công gây ra những chi phí không nhìn thấy được như chảy máu chất xám, việc sa thải hàng loạt cũng khiến những người còn trụ lại cảm thấy mất tinh thần. Ngoài ra chi phí bồi thường cho nhân viên cũng không hề ít . Nếu sa thải công nhân, DN sẽ khó có thể tìm thấy những người có tay nghề cao và hàng chục năm kinh nghiệm như đội ngũ mình đang có. Do đó, DN cần thận trọng khi sa thải người lao động, nên thực hiện các biện pháp cắt giảm giờ làm và hạn chế chi tiêu hơn là sa thải.

Mỹ Dung

Đọc thêm