Bộ Nội vụ cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, chính quyền địa phương bao gồm 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hệ thống pháp luật hiện nay, trong đó có pháp luật về lĩnh vực nội vụ có nhiều quy định liên quan đến nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước (CQNN) ở cấp huyện. Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW, dự kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương với chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện, các CQNN cấp huyện sẽ được giải thể (UBND, HĐND cấp huyện...) hoặc sáp nhập theo mô hình khu vực (kiểm sát, tòa án, thuế, thi hành án...). Như vậy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các CQNN cấp huyện cần theo quy định của pháp luật hiện nay phải có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước (QLNN).
Để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý, Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp phân công Bộ Nội vụ “xây dựng Nghị định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tổ chức hành chính, sự nghiệp, chính quyền địa phương, công chức, viên chức, lao động, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội... khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp” (trong đó có lưu ý: số lượng nghị định có thể nhiều hơn số lượng nêu trong Phụ lục, do bộ quyết định dựa trên kết quả rà soát và phạm vi điều chỉnh). Trên cơ sở kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng 2 nghị định, bao gồm 1 nghị định về phân cấp và 1 nghị định về phân định thẩm quyền.
Theo đó, tại dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền QLNN trong lĩnh vực nội vụ theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ đề xuất, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ở cấp huyện được chuyển giao cho cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp tỉnh và cấp xã.
Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nội dung quy định về đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã hoặc được bãi bỏ.
Về trách nhiệm của cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, theo dự thảo Nghị định, cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp tỉnh, cấp xã tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp huyện thực hiện bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ QLNN trong lĩnh vực nội vụ trên địa bàn; không để xảy ra khoảng trống, chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm quản lý.
Trường hợp sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính dẫn đến tên gọi của chính quyền địa phương cấp xã thay đổi thì thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thuộc chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp, tổ chức lại. Bên cạnh đó, không thực hiện lại; không yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại các công việc, thủ tục đã thực hiện trước khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.
Trường hợp văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp huyện với cơ quan, chức danh khác thì cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp huyện tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo quy định. Ngoài ra, chủ động tiếp nhận và quản lý hồ sơ, tài liệu về các công việc đang giải quyết, thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chủ động cập nhật, phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai về cơ quan chuyên môn cấp trên có thẩm quyền để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo dự thảo, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027.