Nhiều nơi thực hiện dang dở
Trên nhiều con phố tại các đô thị Việt Nam hiện nay không khó để gặp những “điểm tập kết rác tự phát” do người dân tiện tay vứt ra đường hoặc cố ý đổ trộm.
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tới 7 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt trên thực tế gặp nhiều khó khăn bởi hành vi xả rác bừa bãi có thể xuất hiện bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Lực lượng chức năng không thể lúc nào cũng “canh chừng” người dân vứt rác đề bắt quả tang và xử phạt.
Chính vì thế, đề xuất triển khai xử phạt hành vi xả rác qua camera được cho là phương án khả thi để giải quyết tình trạng này. Từ đầu năm 2019, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định trên phố đi bộ hồ Gươm. Theo thống kê của UBND quận, sau hơn một tháng triển khai, đơn vị chức năng đã phát hiện và xử phạt 26 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, đội tuyên truyền của Urenco thường xuyên túc trực tại khu vực phố đi bộ để ghi lại các hình ảnh vi phạm. Có thể nói, việc triển khai kiên trì và quyết liệt “phạt nguội” hành vi xả rác bừa bãi qua camera đã phần nào khiến người dân và du khách tại phố đi bộ có ý thức hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường chung. Đáng tiếc, sau đó việc xử lý này không được duy trì.
Cuối tháng 7/2020, UBND TP HCM đã ban hành Văn bản số 26/2020/QĐ-UBND chỉ đạo các sở, ngành và UBND 24 quận, huyện tăng cường sử dụng camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Điều này cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong mục tiêu giảm thiểu nạn xả rác bừa bãi, cải thiện mỹ quan, chất lượng môi trường đô thị. Trong những tuần đầu thực hiện chỉ đạo của thành phố, một số địa phương như Thủ Đức, Gò Vấp đã đẩy mạnh việc sử dụng trích xuất camera để phát hiện, xử phạt các hành vi cố tình xả rác xuống kênh, mương, đường phố và các khu đất trống không phải bãi tập kết rác. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác chưa “mặn mà” bởi cho rằng với lực lượng mỏng, khó có thể giám sát, phát hiện được hết các hành vi vi phạm vốn là thói quen bao lâu nay của nhiều người Việt.
Bên cạnh đó, công tác xử lý các hành vi xả rác bừa bãi qua camera hiện tại vẫn chưa hoàn toàn là “phạt nguội” mà thông qua thông tin trích xuất, lực lượng chức năng đến bắt quả tang, lập biên bản để xử phạt. Do đó, mặc dù một số tỉnh, thành phố có ý định mở rộng việc xử phạt qua camera trên địa bàn, nhưng do quy trình xử lý, xác minh người bị xử phạt khó khăn, cùng việc huy động nhiều cán bộ nên việc xử phạt qua camera chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn rồi tạm dừng.
Cần cụ thể hóa các quy định
Do nhiều bất cập trên thực tế, các cơ quan chức năng chưa quyết liệt xử lý các hành vi xả rác bừa bãi nên tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp nhiều năm nay. Bên cạnh đó, việc thiếu quy định đồng bộ và các chế tài cụ thể là một trong những nguyên nhân khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện Bộ TN&MT đang xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường để phù hợp với pháp luật hiện hành. Một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng có thể bị “phạt nguội”, trong đó có hành vi xả rác bừa bãi. Cụ thể, Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Như vậy, văn bản pháp luật này cho phép cơ quan chức năng sử dụng thông tin dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật là máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình… thu được do cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xử phạt xả rác qua camera vốn không mới trên thế giới nhưng tại Việt Nam, điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại chưa thể lắp đặt camera đồng bộ ở tất cả các tuyến đường đô thị, chưa nói đến các khu vực nông thôn. Và nếu có triển khai được thì các biện pháp chế tài cũng chỉ góp phần răn đe những hành vi vi phạm. Điều quan trọng hơn là phải nâng cao ý thức tự giác của người dân, không xả rác bừa bãi, huy động người dân đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị để nâng cao môi trường sống của chính mình.