Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tự chủ đại học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan quản lý trực tiếp bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng

Bộ GD&ĐT cho biết, các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp. Do đó, khó khăn cho việc xác định hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp “cho chủ trương bổ nhiệm”.

Ngoài ra, việc xác định cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận còn liên quan đến một số vướng mắc của các nghị định khác của Chính phủ về: thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập; thẩm quyền "giao quyền" hoặc "giao phụ trách" cơ sở giáo dục đại học công lập trong trường hợp khuyết hiệu trưởng…

Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với các nghị định khác của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau: Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.

Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp sau: đối với trường đại học mới thành lập, cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường; đối với các trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 6 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.

Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định.

Về thành phần tập thể lãnh đạo, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung về thành phần tập thể lãnh đạo (tại điểm đ khoản 1 Điều 7) để bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng (Quy định 80-QĐ/TW), quy định của pháp luật về viên chức (Nghị định 115/2020/NĐ-CP) về “Thành phần tập thể lãnh đạo”.

Cụ thể, dự thảo Nghị định đề xuất, thành phần tập thể lãnh đạo quy định tại Điều này bao gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường để phù hợp, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan. Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường, đặc biệt đối với thành viên là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp khi đã thôi việc, chuyển công tác… thì cơ quan quản lý trực tiếp có thể thay thế ngay mà không cần có văn bản đề nghị của hội đồng trường.

Bổ sung điều kiện liên kết các trường đại học thành đại học

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP, một trong các điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học là có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Với điều kiện này, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định: trong đó mỗi trường đại học trước khi liên kết phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 của Nghị định này. Khi đã liên kết thành đại học phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

Về điều kiện thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, dự thảo sửa đổi, bổ sung như sau: có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học.

Trường hợp thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định này thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo khi bảo đảm ít nhất 5 ngành đào tạo trình độ đại học và 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc 2 lĩnh vực đào tạo có chuyên môn gần nhau và có ít ngành được đào tạo trong nước.

Đọc thêm