5 loại dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải
Về dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được thực hiện theo quy định tại Thông tư, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 63/2019/TT-BTC gồm: Một là, vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập; Hai là, vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả báo hiệu chướng ngại vật; kiểm tra thường xuyên đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải);
Ba là, khảo sát định kỳ phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả vị trí đón trả hoa tiêu).
Bốn là, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải công cộng; bảo trì hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); khảo sát định kỳ phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển được giao cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Năm là, nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không bao gồm công tác nạo vét đầu tư xây dựng mới luồng hàng hải); Sáu là, nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải”.
Kê khai, nộp ngân sách Nhà nước số phí bảo đảm hàng hải
Về mức thu phí đảm bảo hàng hải, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 63/2019/TT-BTC như sau: Mức thu phí bảo đảm hàng hải thực hiện theo Thông tư số 261/2016/TTBTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải; Thông tư số 90/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC và Thông tư số 17/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Thông tư số 63/2019/TT-BTC như sau “1. Đối với số phí bảo đảm hàng hải thực hiện nộp ngân sách Nhà nước, các cảng vụ hàng hải có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐCP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Về nguồn kinh phí và nội dung chi để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải, Bộ Tài chính đề xuất căn cứ nguồn thu phí bảo đảm hàng hải và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được bố trí từ ngân sách Trung ương hàng năm.
Về nội dung chi từ nguồn ngân sách Trung ương, Bộ này đề xuất cung ứng dịch sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải quy định tại Điều 3 Thông tư này. Thanh toán phần kinh phí chênh lệch (nếu có) cho doanh nghiệp trong trường hợp kinh phí bảo trì luồng hàng hải lớn hơn giá trị sản phẩm tận thu đối với hình thức bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm quy định tại Điều 11 Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nội dung này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 5 Điều 9 Nghị định số 43/2018/NĐ-CP.
Các khoản chi phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải giao cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải quản lý, gồm: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải; Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp, bảo trì, cập nhật cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải; Lập, điều chỉnh quy trình và định mức quản lý, khai thác, bảo trì đối với công trình hàng hải được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước đã đưa vào khai thác, sử dụng; Quan trắc, kiểm định, đánh giá an toàn công trình hàng hải; Chi phí bảo vệ, mua bảo hiểm tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải giao cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải quản lý.