Đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT: Bộ Tài chính tiếp thu như thế nào?

(PLO) - Thay vì 2 phương án tăng thuế suất thuế GTGT và tăng ngay từ 10% lên 12% từ ngày 1/1/2019, trong tờ trình mới nhất, Bộ Tài chính đưa ra 1 phương án tăng thuế: Tăng từ 10% lên 11% từ ngày 01/01/2019 tăng từ mức 11% lên mức 12% từ ngày 01/01/2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 8/2017, Bộ Tài chính công bố định hướng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN và Luật Thuế tài nguyên. Điểm gây chú ý lớn của dư luận là Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế suất thuế GTGT: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; Tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Ngay lập tức đề xuất này gặp sự phản ứng của dư luận, trong đó các ý kiến cho rằng việc tăng thuế tăng thuế khiến người nghèo, thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu...

Mới đây, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính cho rằng về lý thuyết, các loại thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập (người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp đều phải trả một khoản thuế như nhau khi tiêu dùng cùng một loại hàng hóa, dịch vụ). Do vậy, khi tính tỷ lệ điều tiết thuế/thu nhập thì người có thu nhập thấp có tỷ lệ cao hơn so với người có thu nhập cao. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.

Để giảm bớt tính lũy thoái của thuế gián thu, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhưng ở mức thuế suất ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp. Theo quy định của Luật Thuế GTGT thì hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, trong đó có nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân như: Lương thực, thực phẩm do cơ sở SXKD trực tiếp sản xuất bán ra, y tế, giáo dục,... hoặc chịu thuế GTGT ở mức thuế suất ưu đãi 5% như: thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp; lương thực, thực phẩm bán ở khâu kinh doanh thương mại,...

Dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó số liệu: Tại Việt Nam, 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT, Bộ Tài chính dẫn giải: Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo...

Dẫn kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, trong đó mức thu nhập dân cư được chia thành 5 nhóm và cơ cấu chi tiêu của các nhóm là khác nhau. Đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; ngược lại nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên. Các hàng hóa, dịch vụ này đa số thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT với mức thuế suất ưu đãi nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ tác động rất nhỏ đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này. 

Từ dẫn giải trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12% có thể tác động đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, đối với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo...

 Dẫn phân tích của WB khi cho rằng Việt Nam vẫn còn tiềm năng mở rộng việc áp dụng thuế GTGT, Bộ Tài chính cho rằng tỷ lệ động viên của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT trong tổng thu NSNN, thì tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ hiện hành của Việt Nam vào năm 2016 chiếm khoảng 48.5% tổng thu NSNN, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (53.9%), Lào (55.9%), Cam-pu-chia (55.5%), và nhỉnh hơn Philippines (45.6%)...

Về mức thuế suất thuế GTGT hiện hành của Việt Nam, Bộ Tài chính cũng cho rằng đang ở ngưỡng thấp so với toàn cầu (mức trung bình là 16%) tuy thừa nhận có nhiều khác biệt giữa các nước. Trong khối các nước ở châu Á, có Indonesia và Campuchia đang áp dụng thuế suất 10%, Philippines mức 12%, Sri Lanka 12,5%, Mông Cổ 13%, Bangladesh 15% và Trung Quốc 17%. Ấn Độ vừa mới áp dụng hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), thuế suất 20% hoặc cao hơn tùy vào mặt hàng. 

“Do đó, mức tăng thuế suất thuế GTGT như đề xuất là phù hợp với thông lệ quốc tế...” – Tờ trình của Bộ Tài chính khẳng định. 

Tuy nhiên, do thuế GTGT là sắc thuế tiêu dùng và đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho SXKD và tiêu dùng tại Việt Nam nên Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất có thể tác động đến hoạt động SXKD của DN và tác động đến tiêu dùng của người dân. Do vậy, để giảm tác động đến SXKD và tiêu dùng, Bộ Tài chính đã tiếp thu về lộ trình tăng thuế, cụ thể: Từ ngày 01/01/2019 tăng từ 10% lên 11%; từ ngày 01/01/2020 tăng từ mức 11% lên mức 12%. 

Đọc thêm