Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của quân nhân

(PLVN) - Thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tổ chức các Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (Luật Sĩ quan). Các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung xung quanh vấn đề kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và chế độ, chính sách với sĩ quan.
Thực hiện nhiệm vụ đặc thù, các quân nhân kiến nghị những chế độ, chính sách bảo đảm nhiệm vụ và quyền lợi. (Ảnh minh họa)
Thực hiện nhiệm vụ đặc thù, các quân nhân kiến nghị những chế độ, chính sách bảo đảm nhiệm vụ và quyền lợi. (Ảnh minh họa)

Cần tạo điều kiện để sĩ quan yên tâm công tác

Luật Sĩ quan được Quốc hội khóa X thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2000 và được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 2008 và 2014.

Luật Sĩ quan là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tại các hội nghị tổng kết, các ý kiến thảo luận đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương với cán bộ, sĩ quan; thông qua những lần điều chỉnh, sửa đổi luật đã giúp đời sống của đội ngũ sĩ quan ngày càng nâng cao.

Các ý kiến cũng đề cập, bày tỏ những khó khăn, hạn chế về việc thực hiện các quy định pháp luật về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; việc xét thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan; quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương; thực hiện quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; việc xét thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan; thực hiện các quy định về sĩ quan dự bị.

Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị những nội dung, giải pháp khắc phục và sửa đổi luật cho phù hợp trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ yên tâm công tác; bảo đảm cho luật được thực hiện đầy đủ, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh cho biết, báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ rõ, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan vẫn bộc lộ những bất cập như: Quy định tuổi phục vụ của sĩ quan của một số cấp bậc chưa phù hợp Luật BHXH; một số chức vụ như đội trưởng tàu thuyền thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, đội phó đội vận động quần chúng thuộc đồn biên phòng tuyến biển chưa được quy định chức vụ tương đương và trần quân hàm, khó khăn trong đề bạt thăng quân hàm, điều động, bổ nhiệm...

Cùng với đó, Luật Sĩ quan quy định quân hàm và chức vụ của chỉ huy trưởng, chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP cấp tỉnh nhưng các đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh như đồn biên phòng, các đội trực thuộc đồn biên phòng, ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng… chưa được quy định quân hàm và chức vụ trong luật, mà chỉ được quy định quân hàm, chức vụ tương đương ở Thông tư, do đó thường có thay đổi, thiếu tính ổn định.

Các tham luận tại Hội nghị tổng kết của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Kạn tập trung làm rõ, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Sĩ quan như: Thông tư 160 của Bộ Quốc phòng mới chỉ quy định chức danh tương đương đối với cán bộ chủ trì cơ quan và một số đơn vị tương đương, chưa quy định chức danh tương đương với một số chức vụ cụ thể của Bộ CHQS tỉnh; trợ lý cơ quan Bộ CHQS tỉnh yêu cầu nhiệm vụ cao hơn so với trợ lý cơ quan Ban CHQS cấp huyện, trung đoàn nhưng trần quân hàm cao nhất cơ bản là Thiếu tá.

Với quy định tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) như hiện nay, sĩ quan có quân hàm từ trung tá trở xuống, khi nghỉ hưu đều không đủ điều kiện hưởng lương hưu 75%, không có đủ 35 năm đóng BHXH (trừ các trường hợp kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ, chuyển ngành…); chính sách tiền lương hiện hành với sĩ quan còn thấp, chưa thu hút được nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội; chính sách nhà ở chưa giải quyết triệt để vấn đề nhà ở của sĩ quan, chưa thực sự thu hút, động viên sĩ quan yên tâm công tác, cống hiến; các sĩ quan đang đảm nhiệm chức vụ trợ lý làm công tác tham mưu ở phạm vi cấp chiến dịch nhưng không có hệ số chức vụ…

Việc đào tạo sĩ quan dự bị từ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngành y ngoài quân đội hiện còn ít; chưa có Thông tư, hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo điểm 7 Điều 31 Luật Sĩ quan. Thông tư 153 của Bộ Quốc phòng có quy định chế độ nghỉ phép đặc biệt, trong đó không có chế độ nghỉ khi vợ sinh con theo Luật BHXH...

Đề xuất bổ sung biên chế

Từ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật Sĩ quan và các văn bản quy định chi tiết, tham luận của Đại tá Trần Quang Tùng, Phó Chính ủy BĐBP Lạng Sơn; và Đại tá, Tiến sĩ Lê Đình Quang, Chủ nhiệm khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng; đề xuất một số nội dung: Bổ sung quân hàm, chức vụ với đồn trưởng, chính trị viên đồn biên phòng và ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng vào luật để phù hợp vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của BĐBP được quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam.

Bổ sung chức vụ đội trưởng đội tàu thuyền thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng vào Thông tư, tương đương tiểu đoàn trưởng, trần quân hàm Trung tá; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; đề nghị Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 7 Điều 31 Luật Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội… Đây là cơ sở quan trọng để địa phương làm căn cứ để thực hiện chính sách này.

“Thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, với các lực lượng có tính chất đặc thù như BĐBP, cần nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về chính sách, cơ chế để xây dựng, bảo đảm đồn biên phòng thực sự là nhà của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, góp phần cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP an tâm công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Đại tá Quang nhấn mạnh.

Các đại biểu của Cục Kỹ thuật, Quân khu 1 kiến nghị đề xuất tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo cấp bậc quân hàm phù hợp với tuổi nghỉ hưu quy định tại BLLĐ 2019 và Luật BHXH…

Còn cán bộ, sĩ quan Bộ CHQS Bắc Kạn đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, quy định rõ các chức vụ, chức danh sĩ quan giữ chức vụ trong các cơ quan, đơn vị (không quy định chức danh tương đương); nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp Thiếu tá, Trung tá để phù hợp BLLĐ.

Bên cạnh đó, tăng chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị từ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngành y ngoài quân đội; xây dựng triển khai kịp thời chính sách cải cách tiền lương trong quân đội theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để sĩ quan tham gia nhiều hơn vào các dự án chính sách về nhà ở, đất ở…

Đọc thêm