Đề xuất thời hiệu xử phạt 1 năm với vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến để trình Chính phủ sửa đổi.
Hình minh họa
Hình minh họa

Mức phạt tiền tối đa 150 triệu đồng

Tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50.000.000đ, đối với tổ chức là 100.000.000đ. Trong dự thảo mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung lại như sau: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 75.000.000đ, đối với tổ chức là 150.000.000đ.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 3 với nội dung như sau: một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều tổ chức hoặc cá nhân cùng thực hiện một hành vi VPHC thì mỗi tổ chức hoặc cá nhân vi phạm đều bị xử phạt về hành vi VPHC đó. Một tổ chức hoặc cá nhân thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Về thời hiệu xử phạt VPHC, Dự thảo đề xuất bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3. Theo đó, thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục là 1 năm; trường hợp xử phạt VPHC đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản VPHC chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt VPHC.

Việc sửa đổi là cần thiết

Dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng đưa ra các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đáng chú ý, hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định hoặc giấy chứng nhận; hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ người học; hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể người học…được xác định thời điểm chấm dứt hành vi phạm khi tổ chức, cá nhân khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục hoặc mở ngành, chuyên ngành đào tạo không đảm bảo điều kiện theo quy định; hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học… được xác định thời điểm chấm dứt hành vi phạm khi tổ chức, cá nhân bổ sung đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Còn hành vi vi phạm về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công tác tuyển sinh được xác định thời điểm chấm dứt hành vi phạm khi kết thúc thời gian tuyển sinh của năm tuyển sinh đó theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Hành vi vi phạm quy định về thời lượng, nội dung, chương trình giáo dục; vi phạm quy định về đào tạo liên thông, liên kết; vi phạm quy định về tư vấn du học; vi phạm quy định về tiếp nhận học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; hành vi vi phạm quy định về thi, về tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học được xác định thời điểm chấm dứt hành vi phạm khi kết thúc khóa học đó, người học được công nhận tốt nghiệp; hành vi vi phạm về văn bằng, chứng chỉ được xác định thời điểm chấm dứt hành vi phạm khi tổ chức, cá nhân khắc phục xong theo đúng quy định pháp luật;

Cũng theo dự thảo, các hành vi VPHC về giáo dục quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này được xác định là hành vi vi phạm đang được thực hiện.

Giải thích lý do vì sao Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ban hành ngày 22/1/2021 và mới có hiệu lực từ ngày 10/3/2021 mà phải đề nghị sửa đổi, Bộ GD&ĐT cho biết: ngày 13/11/2020, Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC Luật số 67/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2022, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực giáo dục được sửa đổi.

Để triển khai thi hành luật kịp thời, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục thời gian trình tháng 10/2021.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/3/2021, do vậy trên thực tế Bộ GD&ĐT chưa áp dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm, bởi tính chất đặc thù các cơ sở giáo dục thực hiện theo năm học, nên các hành vi vi phạm được áp dụng theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP (được Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 thay thế).

Để đảm bảo thống nhất mức phạt và thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục theo đúng quy định pháp luật và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC số 67/2020/QH14, việc nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục là rất cần thiết.

Đọc thêm