Đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động tham gia xây dựng NƠXH: Rà soát để quy định chặt chẽ, khả thi

(PLVN) - Thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng việc quy định cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Hoàn thiện cơ chế pháp lý

Một điểm mới đáng lưu ý trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 5 là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) làm chủ đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú công nhân.

Về nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động - đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn là một chủ thể có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nêu vấn đề, theo quy định của Dự thảo Luật và Luật Công đoàn, chưa rõ khi Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân thì tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào, từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng; từ kinh phí 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công do ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ…?

“Nếu sử dụng tài chính công đoàn để thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho công nhân thì không phù hợp với Điều 27 của Luật Công đoàn, vì việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân không thuộc nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn”, Ủy ban Pháp luật chỉ rõ.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ sự phù hợp, tính thống nhất, khả thi của chính sách này; đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn ở các địa phương.

Trường hợp vẫn giữ quy định này trong Dự thảo Luật thì cần quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện để bảo đảm tính minh bạch, xác định rõ trách nhiệm về những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư; đồng thời đề xuất sửa các quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng về việc Tổng Liên đoàn tham gia phát triển NƠXH cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH) về dự án Luật này, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nêu rõ, Tổng Liên đoàn là một chủ thể đầu tư NƠXH mới được quy định trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), do đó còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn trong Dự thảo Luật.

“Đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với Tổng Liên đoàn khi tham gia đầu tư NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân. Trong việc thực hiện dự án nhà ở cho người lao động, đề nghị coi việc Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư như một hình thức Nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành NƠXH”, Đại biểu nêu ý kiến.

Đồng thời, tại Điều 37 Dự thảo Luật về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, Đại biểu đề nghị quy định Tổng Liên đoàn là chủ thể đầu tư xây dựng để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong Dự thảo Luật.

Cần nêu rõ nguồn vốn đầu tư

Tán thành quy định Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp nhưng Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị Dự thảo Luật cần nêu rõ Tổng Liên đoàn đầu tư NƠXH bằng nguồn vốn nào để bảo đảm tính minh bạch, xác minh rõ nhiệm vụ và những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư.

“Cần phải cân nhắc quy định thật chặt chẽ và bảo đảm tính khả thi của Dự thảo Luật”, Đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nhấn mạnh, vấn đề nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định nghiên cứu, ban hành thành cơ chế chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Để góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định vấn đề lưu trú công nhân theo hướng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nông thôn thống nhất với quy định tại khoản 10 Điều 197 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm quyền lợi của công nhân trong khu công nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Có cùng quan điểm, Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định về vấn đề nhà lưu trú công nhân để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về lĩnh vực này, nhất là phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

Đọc thêm