Đề xuất xây dựng chế định vật quyền trong Bộ luật Dân sự

Tổ biên tập Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 mạnh dạn đề xuất chuyển một nội dung quan trọng của BLDS 2005 là phần “Tài sản và quyền sở hữu” thành phần “Vật quyền”. Hôm qua (7/11), với sự phối hợp của Dự án Jica, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về vật quyền để có được những lập luận thuyết phục cho việc chuyển đổi này.

Tổ biên tập Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 mạnh dạn đề xuất chuyển một nội dung quan trọng của BLDS 2005 là phần “Tài sản và quyền sở hữu” thành phần “Vật quyền”. Hôm qua (7/11), với sự phối hợp của Dự án Jica, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về vật quyền để có được những lập luận thuyết phục cho việc chuyển đổi này.

Có tiền lệ

Một chuyên gia về luật dân sự - ông Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nhấn mạnh, vật quyền từ xưa tới nay trên thế giới vẫn được xem là phạm vi truyền thống của luật tài sản. Thế nhưng, hiện nay vật quyền lại quá chật vật để được nhắc đến tên trong các văn bản pháp luật Việt Nam và trong cả các giáo trình dạy về luật dân sự, mặc dù nội dung của nó đã có phần ít ỏi xuất hiện trong BLDS năm 2005. “Ban sửa đổi BLDS 2005 “tự ý” quyết tâm cho dân chúng nhắm “món” vật quyền. Điều đó mừng lắm! Song cần những gì để xào xáo “món” vật quyền thì xem ra không phải là dễ” - ông Cương ví von.

Vì vậy, ông Cương kiến nghị phải nghiên cứu cụ thể về tất cả và từng loại quyền trong sự suy ngẫm đến truyền thống - hiện tại - tương lai, phải nhìn từng chi tiết trong nội dung của vật quyền liên quan tới các chế định pháp luật khác, đồng thời cần có các chuyên đề riêng cho từng vật quyền.

Nói về sự đề xuất chuyển đổi trên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho rằng, chế định này đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật trước đây nhưng hiện bị “bỏ rơi”, chứ không phải là một khái niệm pháp lý mới. Điều đó cũng tương tự như chế định ly thân trong pháp luật hôn nhân – gia đình, đều là những “phương tiện pháp lý cực kỳ hay”.

“Chúng tôi vừa báo cáo với Ủy ban  Các vấn đề về xã hội của Quốc hội về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về sự cần thiết bổ sung chế định ly thân. Theo đó, pháp luật về gia đình ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 đã quy định chế định ly thân. Nhưng đến năm 1986 thì không còn và năm 2000 vấn đề này cũng đã được đưa vào, dù không được Quốc hội thông qua”, ông Huệ chia sẻ.

Quyền sử dụng đất sẽ được xếp vào đâu?

Tổ biên tập cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung rất nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, liên quan đến ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký vật quyền đối với bất động sản, sẽ có hai phương án: đăng ký là điều kiện để việc chuyển dịch vật quyền có hiệu lực và đăng ký là một điều kiện để đối kháng với người thứ ba. 

“Quyền sử dụng đất cần được xếp vào đâu là một vấn đề vô cùng đau  đầu”
“Quyền sử dụng đất cần được xếp vào đâu là một vấn đề vô cùng đau đầu”

Hay về nội dung của quyền sở hữu, cũng có hai phương án: một là giữ nguyên như quy định hiện hành, quyền sở hữu gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt; hai là, quyền sở hữu chỉ bao gồm quyền sử dụng và quyền định đoạt. Đối với hình thức sở hữu, sẽ thu gọn còn sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung hoặc gọn hơn chỉ có sở hữu riêng và sở hữu chung…

Riêng về các quyền mang tính bộ phận của quyền sở hữu (tạm gọi là vật quyền hạn chế) là các vật quyền đối với vật của người khác. Dự thảo Luật hiện quy định một số vật quyền hạn chế như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền địa dịch, quyền ưu tiên, quyền chiếm hữu… Trao đổi về quyền sử dụng đất – loại quyền rất được người dân quan tâm, ông Huệ đặt câu hỏi: “Quyền sử dụng đất cần được xếp vào đâu?. Đây là một vấn đề vô cùng đau đầu!”.

“Quyền bề mặt cần nghiên cứu để bao gồm cả quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất có thể chia thành một số loại cụ thể là quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sở hữu công trình trên đất của người khác, quyền canh tác…”, bà Hoàng Thị Thúy Hằng, thành viên Tổ biên tập đề nghị.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, với quan niệm lâu nay tài sản đất đai thuộc sở hữu nhà nước, Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng thì có thể coi quyền sử dụng đất là quyền hưởng dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Điện (Đại học Quốc gia TP.HCM) lại phân tích, quyền hưởng dụng là một loại vật quyền tách ra từ quyền tư hữu, không phải dạng quyền sở hữu sâu, trong khi quyền sử dụng đất là một loại quyền được Nhà nước công nhận và trao cho người dân, khó có thể xếp vào quyền hưởng dụng.

Thục Quyên

Đọc thêm