Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 9h30 (giờ Việt Nam) hôm nay (11/10), nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 92,618 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 1.016 USD; nợ công chiếm 46,0% GDP, tăng 9,6% so với năm 2014. Nợ công toàn cầu thời điểm này đang ở mức trên 57.135 tỷ USD.
Trước đó, 9h (giờ Việt Nam) ngày 22/7/2015, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 90,826 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 997,9 USD; nợ công chiếm 46,3% GDP, tăng 9,8% so với năm 2014.
Còn thời điểm 10h ngày 24/11/2013 (giờ Việt Nam), nợ công của Việt Nam là trên 77,436 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người là 859,05 USD/người, chiếm 48,4% GDP, tăng 11,6%/năm so với năm 2012; nợ công toàn cầu đang là hơn 52.065 tỷ USD.
Như vậy, sau khoảng gần 2 năm, nợ công của nước ta tăng 15,182 tỷ USD; nợ tính theo bình quân dân số cũng tăng khoảng 157 USD/người. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ nợ công so với GDP, nợ công giảm 2,4%.
Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, Chính phủ đã "thúc" Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, nợ công so với GDP của nước ta năm 2014 ước tính là 59,6% (ước tính 2,346 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 110 tỷ USD).
Con số này Bộ Tài chính đang đối chiếu với các nhà tài trợ và qua quyết toán của các đơn vị, con số thực có thể còn giảm một chút ít do số lượng rút vốn thực tế bảo lãnh. Trong 59,6% nợ Chính phủ là 47,4%, nợ Chính phủ bảo lãnh là 11,3%; 0,8% là nợ chính quyền địa phương.
Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ do chính phủ bảo lãnh, đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP.