Tham dự hội nghị lần này có Lãnh đạo cấp cao và đại diện các bộ, ngành của nhiều quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Campuchia, Bangladesh, Malaysia, Lào, Philippines, Brunei, Indonesia, Myanmar… Hơn 500 các học giả và đại biểu từ các tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giải, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế cũng đã tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Đi tìm trật tự thế giới mới để thoát khỏi hỗn loạn” Hội nghị đã thảo luận về các xu thế phát triển mới, các vấn đề có tác động lớn đến tương lai của Châu Á và thế giới như quan hệ thương mại Mỹ - Trung, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, sự chuyển dịch của cơ cấu kinh thế giới và trật tự thế giới, phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các đại biểu cũng trao đổi về vai trò của các quốc gia Châu Á trong quá trình xây dựng trật tự thế giớimới và đề xuất nhiều giải pháp giúp các chính phủ và doanh nghiệp Châu Á ứng phó với những chuyển biến nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới hiện nay. Hội nghị cho thấy nguyện vọng chung của các nước về duy trì hoà bình, ổn định để tiếp tục những thành tựu quan trọng mà Châu Á đã đạt được trong những thập kỷ qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, một trật tự quốc tế đa chiều đang từng bước định hình và toàn cầu hóa cũng dần chuyển sang giai đoạn mới.
Kinh tế thế giới cùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng thương mại, tình trạng trì trệ của thương mại quốc tế, biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ, tâm lý phản toàn cầu hoá và các điểm nóng toàn cầu.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, các quốc gia có có cơ sở để lạc quan, dù là thận trọng, về tương lai kinh tế của Châu Á nhờ sự năng động, sáng tạo, mức độ kết nối ngày càng cao, và bởi các động lực căn bản cho tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn đang trên đà phát triển.
Phó Thủ tướng cho rằng, với tiềm lực to lớn của mình, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đã đến lúc Châu Á có tiếng nói và vai trò lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vì lợi ích của chính mình và của cả thế giới, các quốc gia châu Á phải đi đầu, thúc đẩy hợp tác hướng tới một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, hợp tác, bền vững và hiệu quả hơn.
Theo đó, các quốc gia châu Á cần đẩy mạnh tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, các sáng kiến kết nối khu vực; đề cao chủ nghĩa đa phương bao trùm và quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực và luật pháp quốc tế; và khuyến khích cách tiếp cận mới lấy con người làm trung tâm để có được sự phát triển hài hòa.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhật Bản cho sự phát triển của châu lục trong những thập kỷ qua; hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực và thế giới; và ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản về hạ tầng chất lượng cao, về kết nối khu vực.
Phó Thủ tướng cho rằng thế giới đang trong giai đoạn quá độ hướng tới một trật tự thế giới mới và điều này không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn trật tự cũ, nhất là khi các thành tố căn bản của trật tự dựa trên luật lệ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả cần đáp ứng các tiêu chuẩn củng cố chủ nghĩa đa phương bao trùm, tăng cường lòng tin và hợp tác, và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức lớn của thế kỷ 21; được xây dựng và hoạt động trên cơ sở luật pháp, với Liên hợp quốc là trung tâm. Tất cả các quốc gia, dù lớn dù nhỏ đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; nước lớn không được dùng sức mạnh để chèn ép nước yếu hơn; tạo điều kiện để các nước vừa và nhỏ giữ được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa các tập hợp lực lượng nước lớn; và cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã chia sẻ những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng cũng nêu bật các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhằm vượt quá thách thức và tận dụng các cơ hội phát triển mới như nâng cao nội lực của nền kinh tế và củng cố các nền tảng kinh tế vĩ mô; tiếp tục cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam; đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào ngành công nghệ cao, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế; và tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.