Phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ngành TT&TT đã có những bước phát triển ổn định, bền vững trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), bưu chính...
Năm 2014, tổng doanh thu ngành TT&TT đạt 305.000 tỷ đồng, viễn thông trở thành ngành phát triển bền vững, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet phát triển ổn định, lành mạnh với 24 doanh nghiệp được cấp phép dịch vụ viễn thông di động, 124 triệu thuê bao di động, 36 triệu thuê bao 3G...
Để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng của Bộ TT&TT trong giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, tạo điều kiện cho sự phát triển của các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở.
Tăng cường công tác thực thi, thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của ngành TT&TT phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Phải tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông và CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng mạng lưới bưu chính công cộng an toàn, tiện lợi cho người dân và cộng đồng. Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông, hạ tầng mạng truy cập băng rộng, nâng cao năng lực hệ thống truyền dẫn. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; ứng dụng hiệu quả CNTT; phát triển công nghiệp CNTT; đẩy mạnh phát triển CNTT và truyền thông, sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Đến năm 2020, các báo tự chủ về tài chính
Riêng về báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Đến nay cả nước cho 850 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương, hơn 100 báo điện tử, gần 20 nghìn phóng viên... “Các cơ quan báo chí đã góp phần thông tin, tuyên truyền đến toàn xã hội đầy đủ, toàn diện và kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị lớn của đất nước, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo; đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, phản bác hiệu quả các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài; tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
“Đặc biệt, báo chí đã phát hiện, tôn vinh nhiều gương người tốt, việc tốt, uốn nắn những cách nhìn lệch lạc, đồng thời phản ánh những ý kiến xây dựng, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, qua đó làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tăng cường thống nhất tư tưởng, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Báo chí, xuất bản đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng, đến năm 2020 các báo tự chủ về tài chính và báo điện tử trở thành loại hình chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện. Duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất bản phẩm, trong đó 20 - 30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản.
“Báo chí xuất bản không ngừng phát triển cả về nội dung, hình thức, số lượng. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm báo, xuất bản ngày càng được nâng cao. Báo chí xuất bản đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin văn hóa đa dạng, phong phú của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đóng góp quan trọng vào việc tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, kể cả tuyên truyền về lĩnh vực thi đua khen thưởng”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
“Nhưng vẫn cần nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của ngành như quản lý báo chí, kiểm soát thông tin chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng internet, xây dựng Chính phủ điện tử còn khiêm tốn...”. Vì vậy, Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đang tập trung nỗ lực cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ TT&TT có thể tổ chức các phong trào thi đua với các chủ đề thiết thực, qua đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để cùng các Bộ, ngành liên quan góp phần giải quyết nhiệm vụ cấp bách, mang tính thời sự này”.