“Đền ơn đáp nghĩa” bằng hành động thiết thực

(PLVN) - 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán.

Năm 19 tuổi, anh thanh niên Lê Thịnh Vượng (SN 1946, quê Thanh Hóa) đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nhập ngũ lực lượng công binh tại chiến trường, năm 1966, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 36%.

Năm 1973, ông được Ban Xây dựng 64, nay là TCty Công trình giao thông 8 cử đi công tác biệt phái tại Lào. Ông Vượng cho biết, trong nhiều năm, việc lập hồ sơ để hưởng chế độ của cá nhân gặp khó khăn do vướng mắc liên quan thẩm quyền xác nhận của các cơ quan quản lý trong thời gian làm việc tại Lào. Để giải quyết vướng mắc của các trường hợp tương tự, gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp và có kết luận về xử lý vướng mắc trong giải quyết chế độ trợ cấp một lần với đối tượng này.

“Với sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là của Thủ tướng, đề nghị của các cán bộ có cùng thời điểm công tác như tôi đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đây là niềm vui, là điều mà chúng tôi mong mỏi chờ đợi từ rất lâu”, ông chia sẻ.

Nói đến câu chuyện của thương binh Vượng, để thấy công tác “đền ơn đáp nghĩa” với NCC đã được quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi NCC ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện đất nước.

Chỉ tính riêng từ năm 2016-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.

Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp khẩn trương hoàn thiện những chính sách đang xây dựng để ban hành sớm nhất có thể. Tại cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2020, triển khai lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; tiếp tục thực hiện xác nhận, công nhận NCC; thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công với 369 liệt sĩ, cấp đổi lại 4.039 bằng Tổ quốc ghi công; tiếp nhận 1.544 mẫu giám định ADN bàn giao các đơn vị giám định thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống NCC…

Trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát toàn diện chính sách liên quan NCC, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất. Tinh thần là quan tâm rà soát, không bỏ sót các đối tượng chính sách. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa”, tôn tạo chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ…

Mới đây, ngay trước buổi gặp mặt đại biểu, NCC, thân nhân liệt sĩ năm 2021 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24/7/2021, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi NCC.

Nghị định 75 được coi là một chính sách lớn, đột phá và có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu NCC. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được nâng cao hơn so với trước. Kinh phí hàng năm sẽ tăng thêm khoảng 800 tỷ đồng để điều chỉnh bổ sung khoảng 10 chính sách mới trong Nghị định. Mức trợ cấp với Mẹ Việt Nam Anh hùng được điều chỉnh tăng lên bằng 3 lần mức chuẩn, từ hơn 1,6 triệu đồng/tháng tăng lên hơn 4,8 triệu đồng/tháng”.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ không chỉ quan tâm đến ngày 27/7 mà chính sách với NCC là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán: “Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách”.

Đọc thêm