Đến thăm 'Liên hiệp quốc Phật giáo' tại nơi Phật ra đời

(PLO) - Ở Lumbini, Nepal, ngoài thánh tích đức Phật đản sanh, nơi Phật tử khắp thế giới hàng năm đổ về chiêm bái, còn có một điểm nhấn khá thú vị, đó là khu “Liên hiệp quốc” Phật giáo với hơn 20 ngôi chùa của các nước trên khắp thế giới. Và đáng tự hào thay, chùa Việt Nam lại là ngôi chùa có công “khai hoang” vùng đất thiêng này.
Chùa Việt Nam Phật Quốc tự tại Nepal- ngôi chùa đầu tiên và góp công “hồi sinh” thánh tích Phật đản sinh
Chùa Việt Nam Phật Quốc tự tại Nepal- ngôi chùa đầu tiên và góp công “hồi sinh” thánh tích Phật đản sinh

Từ Maya Devi đến Việt Nam Phật Quốc tự

Lumbini (theo phiên âm kinh Phật tại Việt Nam là Lâm Tì Ni) là một thánh tích đặc biệt của Lumbini, là nơi mà hàng triệu triệu tín đồ, học giả Phật giáo lẫn các nhà khoa học các nước trên thế giới đều mong muốn một lần đến chiêm bái, nghiên cứu. Tương truyền, Hoàng hậu Maya sắp đến ngày lâm bồn bèn rời kinh thành Ca Tì La Vệ nơi bà sinh sống để về quê mẹ khai hoa nở nhuỵ. Khi đến khu vườn Lâm Tì Ni xinh đẹp, bà ngừng xe vào ngắm cảnh, và tại đây, bà tựa vào cây Sala, hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành Phật Thích Ca.

Vườn Lumbini ngày nay được sự công nhân và bảo vệ của Unesco, với nhiều di tích quan trọng như cây Sala song đôi, hồ nước nơi Hoàng hậu Maya xuống tắm ngay sau khi lâm bồn, trụ đá vua A Dục xây để tưởng nhớ Đức Phật, và đặc biệt nhất là khu đền Maya Devi, tưởng niệm nơi Hoàng hậu Maya hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa, có dấu chân Phật lúc chào đời.

Trải bao cuộc dâu bể, Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ, đến thế kỉ 20, Lumbini không còn cảnh huy hoàng xưa mà trở nên hoang tàn, thánh tích chỉ còn là phế tích, khiến các học giả Phật giáo đến không khỏi xót xa. Lumbini thế kỉ 20 là một thị tứ nghèo nàn, xấu xí, thiếu các cơ sở vật chất hiện đại. Năm 1970, tiến sĩ Phật học người Việt Lâm Trung Quốc, pháp danh Huyền Diệu cũng đứng trước vùng đất thiêng đã trở nên hoang vu, vắng lạnh này, rơi nước mắt xót xa cho một thánh tích đáng trân trọng bị người đời lãng quên.

Vị hoà thượng đã phát lên tâm nguyện, phải xây dựng một ngôi chùa Việt Nam nơi đây, để đón các đoàn Phật tử Việt hành hương đến chiêm bái thánh tích, và cũng góp phần phục hưng vùng đất Phật. Trước mắt vị hoà thượng là một khu đầm lầy hoang tàn, lau sậy mọc đầy mà ai nhìn vào cũng phải ngao ngán. Nhưng với quyết tâm của mình, thầy Huyền Diệu đã cùng nhiều bạn bè, đồng đạo tâm huyết xin được nhà vua Nepal cấp 2ha đất ở Lumbini, gần trụ đá vua A Dục, vào năm 1993 để xây dựng nên Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt đầu tiên được xây dựng ở Nepal, và cũng là ngôi chùa đầu tiên được xây lên tại Lumbini rộng lớn.

Việt Nam Phật Quốc Tự ở Nepal thực sự là một mái nhà Việt cho người Việt hành hương đến đất Phật. Chùa có kiến trúc đẹp đến ngỡ ngàng mà cũng đầy thân thuộc với cổng tam quan, chùa một cột, với tre, với trúc và tượng mục đồng thổi sáo cưỡi trâu. Cổng vào chùa, lối đi được xây hình chữ S, mô tả lại bản đồ nước Việt Nam đầy tự hào. Trước chính điện tái hiện hai ngọn tuyết sơn uy nghi thuộc dãy núi Himalaya, núi thiêng trong văn hoá Ấn Độ và Nepal, nơi mà hai quốc gia này đang tựa vào.

Bầy hồng hạc và sự hồi sinh

Việt Nam Phật Quốc tự tại Nepal không chỉ nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo và là ngôi chùa đầu tiên trên đất Nepal. Điều khiến du khách, Phật tử khắp năm châu rất lấy làm lý thú là trong sân chùa có một bầy hồng hạc hoang dã sinh sống. Hồng hạc là loài chim quý, sống hoàn toàn hoang dã, rất khó thuần phục.

Thế nhưng, kì lạ thay, khi chùa Việt xây nên không được bao lâu, thì bỗng dưng có bầy hồng hạc từ đâu bay đến trú ngụ ngay bên áo súng trong sân chùa. Và đã rất nhiều năm trôi qua, hồng hạc, dù sải cánh đi đâu thì vẫn luôn quay về chùa như một nơi trú ngụ thân thương của chúng. Đó là một điều mà nhiều nhà khoa học chưa lý giải được.

Khi tôi quay trở lại sân chùa vào một trưa nắng dịu, hồng hạc đã bay đi kiếm ăn, chỉ còn hai con thong thả rảo bước trong sân chùa, ban đầu phản ứng với người lạ, nhưng sau đó tỏ vẻ hào hứng khi được cho ăn. Người ta nói, nơi đâu có hồng hạc bay về, nơi ấy có sự hồi sinh. Điều này quả là không sai. Lumbini, từ một vùng đất thánh bị lãng quên, đã bắt đầu trở mình trong những thập kỉ gần đây, trong đó có công của một ngôi chùa Việt.

Kể từ khi Việt Nam Phật Quốc tự có mặt ở Lumbini, nhiều bạn tu của thầy Huyền Diệu tại các nước cũng đã xin Chính phủ Nepal cấp đất, lập chùa, rồi càng lúc càng đông đúc. Đến nay, khu vực này đã có trên 20 ngôi chùa của các nước, khách hành hương tấp nập. Dân chúng trong vùng gọi đây là vùng đất “Liên hiệp quốc Phật giáo”.

Dạo một vòng quanh vùng đất này, cảm giác thật lạ lùng khó tả khi chứng kiến những ngôi chùa Trung Quốc lộng lẫy chạm rồng cạnh chùa Thái chóp nhọn khảm vàng, chùa Tây Tạng với gam màu đỏ trầm, hay chùa Myanma đặc trưng Phật giáo Nam Tông… Những con đường đang được làm lại, bụi bay mịt mù, nhưng quy hoạch thẳng thớm, một con kênh được đào chảy suốt vùng đất các ngôi chùa, tương lai, du khách có thể dạo quanh thưởng lãm các ngôi chùa từ trên thuyền. Người ta nói, đây cũng là một sự khôn ngoan của Chính phủ Nepal, khi vừa làm tốt việc tâm linh, giúp hồi sinh vùng đất Phật, lại khiến doanh thu du lịch ngày mỗi tăng lên…

… Mỗi ngày, đoàn Phật tử từ nhiều nơi trên thế giới đổ về, mong được tiếp kiến vị cao tăng, nhưng thầy Huyền Diệu thường đi khắp nơi, khó mà gặp thầy ở chùa. Tôi từng may mắn hai lần được gặp và nghe thầy trò chuyện. Thấy rằng, một vị tăng đã đi vào “huyền thoại” lại rất chân thành, dung dị. Ở tuổi ngoài 70, vị cao tăng ấy vẫn một lòng canh cánh cho việc hoằng pháp. Và, trong lòng vị sư xa xứ ấy cũng không bao giờ nguôi ngoai lòng tự hào, yêu mến và nhớ thương dành cho nước Việt thân yêu.

Dưới nắng, trong sân chùa yên tĩnh và đầy hoa cỏ, bầy hồng hạc vẫn thảnh thơi dạo bước, nhàn nhã, thoát tục, cứ như thể chúng mới chính là chủ nhân của nơi đây, là những sinh vật cũng đang tu hành tại ngôi chùa Việt trên đất Nepal. Nơi này, dường như ngọn lửa Chân – Thiện – Mỹ đang được thắp lên, những gì tốt đẹp đang được hồi sinh từng ngày. Như hồng hạc, dù bay xa đến đâu, vẫn cứ quay về bên ao súng sân chùa.