Trước đó, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55 về những việc “cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Nội dung đáng chú ý là nghiêm cấm việc lợi dụng giao lưu, liên hoan, gặp mặt, họp hành, mít tinh, kỷ niệm, thăng chức, bổ nhiệm để tiệc tùng, tặng quà với động cơ vụ lợi. Các việc cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, sinh nhật,... phải giản dị, tiết kiệm, yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện và xây dựng văn hóa mới.
Đây là những chủ trương, thể hiện bằng những quy định cụ thể, nêu rõ các hành vi nghiêm cấm cán bộ, đảng viên không được làm trên tinh thần xây dựng những hành vi ứng xử văn minh, những nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng rất hợp lòng dân. Còn nhớ, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không tổ chức chúc tết, quà cáp cấp trên đã được dư luận ủng hộ và hưởng ứng như thế nào.
Hình như cái khẩu hiệu rất văn hóa, đầy tính gương mẫu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” bấy lâu nay đã bị lãng quên và nếu có thực hiện lại theo một hướng khác. Những hoạt động kỷ niệm, lễ hội,... ngày càng phô trương và hình thức, tốn kém rất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian, gây nên lãng phí rất lớn cho xã hội. Hội nghị nho nhỏ của thôn thôi cũng phải tổ chức thật hoành tráng, có cờ hoa, có gắn phù hiệu cho đại biểu, có tặng quà,... cứ đua đòi học theo nhau, trên làm to, dưới cũng làm to, dần dần phô trương trở thành cái nếp. Chỉ nhìn vào việc làm ăn phát đạt của những cửa hàng hoa, trang trí, in khẩu hiệu thôi, cũng đủ để thấy cán bộ ta chuộng hình thức đến đâu.
Đó là những việc “nhà nước”, việc công, lấy danh nghĩa ấy mà tổ chức cho linh đình, tốn kém thì xin thêm ngân sách, đó là dịp để tham ô và lãng phí. Bất kỳ hội nghị nào, từ thôn xã đến tỉnh, thành, kinh phí đều đi xin cả, đặc biệt là các đoàn thể, hội nọ, hội kia,... Còn với những hoạt động “kỷ niệm cá nhân” thì đúng là một sự nêu gương khi các quan nhậm chức, sinh nhật, tân gia, cưới xin, ma chay,... đều là những ngày hội lớn, bày biện linh đình. Vì thế, dân tình mới noi theo, cũng cố hết sức mà làm cho thật to, thật nhiều. Đơn giản, chỉ việc cưới xin ở nông thôn thôi, bây giờ không còn một tý bóng dáng nào là “cưới theo nếp sống mới” nữa. Đám nào cũng hàng trăm mâm, mời khách từ 8 giờ sáng và có thói ăn uống vào lúc 2 giờ chiều. Thật khốn khổ cho thực khách nào phải mời vào giờ này, đặc biệt là mùa hè, đi ăn cưới mắc như bị tra tấn. Thế mà, các địa phương này vẫn nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Xã văn hóa”, đủ hiểu cái văn hóa đó đã xuống cấp như thế nào. Và, đáng lưu ý là sự tổ chức theo kiểu khác thường này được khởi xướng và bắt đầu từ chính gia đình cán bộ, đảng viên.
Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ, ai cũng biết, để minh chứng cho tình trạng phô trương, hình thức và “kinh doanh” sự kiện lớn, nhỏ thuộc lĩnh vực sinh hoạt cộng đồng mang tính văn hóa. Nó phô bày hiện trạng xã hội chạy theo sự phù hoa, quên đi những cảnh đời nghèo khổ, những việc nhân đạo và tình nghĩa.
Đang là dịp Giáng sinh, Tết dương lịch và ngay sau đó là Tết Nguyên đán cận kề. Hy vọng, những chỉ thị và quy định của Đảng đi vào cuộc sống, khởi sắc cho một hình thức văn hóa cổ truyền và lành mạnh, lấy yếu tố tinh thần và nhân văn là chính, mang lại sự tươi vui đích thực cho cộng đồng.