Giảm mục tiêu tăng trưởng do không có TPP
Cuối năm 2016, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng cho dệt may Việt Nam (DMVN) trong năm 2017 là trên 10%. “Theo tính toán trước đây có TPP, mức tăng trưởng cho năm nay là từ 15% - 17%”, ông Trường cho biết.
Như vậy, việc TPP “dậm chân tại chỗ” và có nguy cơ không có TPP do Mỹ từ bỏ đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của DMVN. Tuy nhiên, TGĐ Vinatex lưu ý, khi chưa có TPP tăng trưởng DMVN dựa trên năng lực cạnh tranh và nhu cầu thị trường.
Trước đây, khi đưa ra các kịch bản nếu có TPP và EU thì Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn và phải đứng trước thách thức của việc tận dụng một cách tốt nhất các lợi thế có được từ các hiệp định. Tuy nhiên, khi không còn hoặc chưa rõ thời điểm các hiệp định có hiệu lực thì các doanh nghiệp (DN) sẽ điều chỉnh chiến lược dựa trên cơ sở năng lực cạnh tranh như những năm trước đây.
Căn cứ kết quả tăng trưởng trong quý I/2017, TGĐ Trường cho rằng 2017 là một năm tiếp tục không có những tín hiệu thật sự đặc biệt khả quan. Điểm sáng duy nhất thấy rõ trong quý I là sự phục hồi thị trường nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Còn nhớ, năm 2016, do khó khăn chung của thị trường thế giới, tổng cầu nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường lớn đều giảm: Mỹ giảm 4,74%, EU giảm 1,5%, Hàn Quốc giảm 0,2%.
Theo báo cáo mới nhất của Vinatex, quý I/2017, ngành DMVN đạt giá trị xuất khẩu 6,75 tỷ USD. Nhiều thị trường mới có tín hiệu khá tốt, trong đó Liên minh Kinh tế Á - Âu có tốc độ tăng trưởng vào Nga tăng 115%; đối với thị trường AEC đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường, cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanma 5%. Hàn Quốc là khách hàng truyền thống với tốc độ tăng cao với 14% ở quý I. Ngoài ra, có 2 quốc gia là Braxin và Ấn Độ có mức tăng trưởng lên đến 34%.
Nhiều thách thức
Như vậy, quý I/2017, DMVN có mức độ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay được đánh giá là hết sức khả quan”, ông Trường đánh giá. Tuy nhiên, để giữ được độ tăng trưởng này đến cuối năm là một thách thức lớn đối với DMVN.
Vậy những thách thức này là gì? Lãnh đạo Vinatex cho biết, các hiệp định thương mại tự do, trong đó có FTA Việt Nam – EU chưa có hiệu lực trong năm nay và việc TPP không được thông qua khiến thị trường DMVN gặp nhiều thách thức, khó khăn. Ở trong nước, đối diện với việc sẽ tăng lương tối thiểu; nhiều chính sách mới về BHXH; đặc biệt năm nay dự kiến tăng một số mặt hàng cơ bản đầu vào của ngành DMVN như điện và một số dịch vụ phí khác.
Với mong muốn tạo điều kiện để DMVN phát triển, TGĐ Vinatex cho biết, cộng đồng DN dệt may mong muốn trong chính sách vĩ mô tiếp tục có những tính toán cân đối một cách phù hợp giữa tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam với các đồng tiền của các quốc gia để cạnh tranh không bị thất thế trong xuất khẩu.
Độ trễ của thị trường xuất khẩu có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và trong khoảng thời gian này nếu Việt Nam không phản ứng kịp thời thì khách hàng có thể thay đổi nguồn cung cấp và hệ quả tất yếu là DN xuất khẩu sẽ gặp những khó khăn dài hạn. Ngoài ra DN mong muốn có lãi suất phù hợp để chi phí của DN được tiết kiệm.
Để DMVN phát triển bền vững, lãnh đạo Vinatex cho rằng thời gian tới sẽ tập trung vào hướng phát triển sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Tiếp tục có những nghiên cứu đẩy mạnh phát triển thị trường mới. Ngoài ra, dù thị trường trong nước có quy mô nhỏ nhưng sẽ quan tâm đến hệ thống phân phối nội địa, phục vụ khu vực thành thị, cán bộ công chức, người lao động ở các đô thị với các mặt hàng trung cấp trở lên.