Dệt may Việt Nam đã… “đến hồi thái lai”

(PLVN) - Một năm đầy khó khăn với ngành dệt may chuẩn bị qua đi. Đơn hàng đã quay trở lại. Năm 2021 với các Hiệp định thương mại cực kỳ thuận lợi hứa hẹn một kết quả khả quan cho ngành dệt may - một kết quả mà ngành đã bỏ lỡ trong năm 2020 do dịch Covid-19.
Dệt may Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn.
Dệt may Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn.

Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu giảm sau 25 năm…

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình công nghiệp thương mại cho thấy, trong 11 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt và may mặc ước đạt 26,73 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Dự báo tổng trị giá XK cả năm của ngành dệt may (DM) sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD (cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỷ USD). Nhưng tính chung cả năm 2020, kim ngạch XK sẽ giảm khoảng 14-15% so năm 2019.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) cho biết, đây là lần đầu tiên kim ngạch XK của ngành DM giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, mức giảm của DM Việt Nam không lớn như các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu DM thế giới giảm 25% và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam giữ giá so với đồng USD khiến hàng DM XK của Việt Nam đắt hơn so với các quốc gia.

Đại diện Bộ Công Thương cũng đánh giá, dù lần đầu tiên kim ngạch XK DM giảm nhưng với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả cùng với việc các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã nhanh chóng tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) nên mức giảm của DM Việt Nam không lớn như các quốc gia khác. 

Đáng chú ý, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Vinatex vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho toàn hệ thống, không có người lao động nào phải nghỉ việc vì không có việc làm. Thu nhập bình quân dự kiến năm 2020 là 7,95 triệu đồng/người/tháng.  Ông Trường cho rằng, để đạt được kết quả này, các DN trong Tập đoàn đã linh hoạt triển khai trong công tác tổ chức sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng có giá trị gia tăng thấp, tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các đơn hàng mới phục vụ chống dịch. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam cho biết thêm, dù kim ngạch XK sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần DM của Việt Nam cũng có những thay đổi. Việt Nam là nước XK DM đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (chiếm 11,8% thị phần), đứng thứ 6 sang Châu Âu, đứng thứ 2 sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành nước XK lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%. 

Nhiều kỳ vọng cao vào năm 2021

Một năm khó khăn với DM chuẩn bị qua đi. Ngay từ thời điểm này, theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Vinatex, hiện các đơn hàng đang dần trở lại đối với ngành may, thị trường sợi đang ấm dần lên, các DN sợi bắt đầu có lãi trên từng kg sợi bán ra, bước đầu vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn của năm 2020. Do đó, năm 2021 Vinatex phấn đấu kết quả SXKD sẽ bằng với kết quả SXKD năm 2019. 

Có thể nói, ngành DM Việt Nam chuẩn bị đón năm 2021 với nhiều hy vọng vào sự đột phá khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), một hiệp định mà các DN DM rất kỳ vọng đã chính thức có hiệu lực. Chưa hết, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 30% dân số toàn cầu cũng đã được ký kết, có thể được thực thi trong khoảng giữa năm 2021 cũng sẽ trở thành một hiệp định mang lại động lực lớn cho DN DM. 

Ông Giang đánh giá, RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho DM Việt Nam. Đặc biệt, khác với các hiệp định khác, ở RCEP quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho DN Việt Nam. Ngành DM Việt Nam kỳ vọng RCEP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn ở Trung Quốc, khi quốc gia này bắt đầu nhập khẩu sản phẩm DM của Việt Nam.

“Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng trong RCEP. Trước đó, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN, Nhật Bản mới được hưởng ưu đãi. Trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc thì với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi XK sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong ngành DM dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực” - ông Giang phân tích.

Tuy thế, ông Giang vẫn lưu ý, trong thời gian tới, ngành DM cần chú trọng hơn đến phát triển thị trường nội địa để bảo đảm bền vững hơn cho SXKD dài hạn. Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành DN; Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Đọc thêm