CĐM Bình Điền và Hóc Môn (TP HCM) hiện là 2 chợ được đánh giá cao về vấn đề ATTP với 100% thịt heo vào chợ có truy xuất nguồn gốc. Các tiểu thương và thương nhân giao dịch tại 2 chợ này, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, lai lịch thịt heo từ ngày con heo tròn 1 tháng tuổi lập tức hiện ra trước mắt…
Nắm “vòng đời” thịt heo chỉ bằng một… cú chạm
CĐM nông sản thực phẩm Hóc Môn hoạt động từ năm 2003 với 360 sạp kinh doanh, sản lượng hàng hoá nhập vào chợ mỗi ngày khoảng 2.750 tấn, bao gồm thịt lợn, trái cây và rau củ. Tổng doanh thu khoảng 45-50 tỷ đồng/ngày đêm với 95% là hàng hoá trong nước, 4% là hàng Trung Quốc và 1% còn lại từ các quốc gia khác.
Ở CĐM này, việc giám sát chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu và hiện Hóc Môn đang thực hiện Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo”. Từ tháng 5/2014, Hóc Môn đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATTP, đến nay đã thực hiện trên 90% các tiêu chí về mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP đối với ngành thịt heo.
Từ tháng 8/2016, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh CĐM nông sản thực phẩm Hóc Môn đã tiến hành tuyên truyền vận động thương nhân, tiểu thương tham gia Đề án. Đến nay 100% thương nhân đã đăng ký tham gia, được khám sức khoẻ định kỳ và có chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP.
Cùng với đó, tất cả các cơ sở vật chất, từ nhà kho, xe chở thịt, trang thiết bị sơ chế, chế biến đều được vệ sinh tiêu độc, khử trùng hàng ngày theo đúng quy định ATTP. Mỗi tiểu thương đều được cấp một mã code để khi kích hoạt, thông tin cá nhân sẽ được lên mạng và lưu vào trong chuỗi tham gia truy xuất nguồn gốc.
Mỗi ngày Hóc Môn nhập vào và xuất ra từ 5.500-5.800 con heo, trên mỗi thịt heo mảnh đều được đeo một vòng nhận diện với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc (gồm 5 thông tin trước khi vào chợ: trang trại; thú y địa phương - nơi có heo xuất chuồng; thú y đầu vào của lò giết mổ; lò giết mổ; thú y đầu ra tại lò). Khi thịt heo mảnh đến chợ, Ban ATTP sẽ kiểm tra, giám sát và kích hoạt, thịt heo mới đủ điều kiện vào chợ. Tất cả mọi người tham gia mua bán tại chợ, chỉ cần tải ứng dụng Tee-Food vào điện thoại, kích hoạt và chạm vào ứng dụng, sẽ truy xuất được đầy đủ thông tin cần thiết.
Cần có thêm sàn giao dịch điện tử
Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh CĐM nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, những ngày mới triển khai truy xuất nguồn gốc, nhiều tiểu thương không biết rõ ràng về các loại vòng đeo để truy xuất nên đã xảy ra tình trạng “vỡ trận”. Tuy nhiên, ngay sau khi được giải thích kỹ càng và tiến hành tập huấn cho từng cơ sở trong chuỗi cung ứng hàng hoá thì hiện tượng “vỡ trận” đã không còn.
Mô hình quản lý ATTP tại CĐM Bình Điền, Hóc Môn là điển hình về quản lý thực phẩm hiện đại nhưng vẫn còn nhiều đơn vị kinh doanh không mặn mà tiếp cận với mô hình này. Ông Bùi Bá Chính, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, hầu như nhiều nhà sản xuất chưa tiếp cận, hoặc chưa hiểu kỹ càng về việc truy xuất, thậm chí không muốn tiếp cận với công nghệ hiện đại này. Còn ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TP HCM cũng cho rằng, thời gian qua mọi người đang hiểu sai về định nghĩa truy xuất nguồn gốc. Bởi, truy xuất nguồn gốc không chỉ là việc tìm kiếm các thông tin, nguồn gốc sản phẩm và con tem, mà còn là việc quản lý cả một quy trình.
Do đó, theo ông Trung, để tạo được một CĐM đúng nghĩa, việc đảm bảo ATTP bằng truy xuất nguồn gốc vẫn chưa đủ, cần phải tạo ra được các sàn giao dịch. Khi đó hàng hóa sẽ được quản lý theo phương thức cạnh tranh lành mạnh, thông tin minh bạch, vừa nâng cao chất lượng hàng hoá vừa tăng năng lực cạnh tranh lại không bị thương nhân thao túng thị trường.
Đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cũng khẳng định, số lượng người tham gia mua bán ở chợ lên đến hàng nghìn người nên quản lý bằng khoa học công nghệ là sự lựa chọn tối ưu. “Vai trò công nghệ 4.0 là rất quan trọng, nó không chỉ giúp nhà sản xuất, nhà phân phối giám sát toàn bộ khâu chăm sóc, chế biến, bảo quản… mà còn giúp cho nhà nước cân bằng được lượng hàng hóa cung cầu” - ông Trung nói.