Di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 14/2023/TT-BGTVT quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại khoản 1 Điều 30 Luật Đường sắt nêu rõ: Phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1- Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

2- Có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3- Có Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

Cũng theo Thông tư, phương tiện chưa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đường sắt được phép di chuyển trong các trường hợp đặc biệt sau đây:

1- Di chuyển để kiểm tra, thử nghiệm các tính năng kỹ thuật của phương tiện trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, vận dụng.

2- Di chuyển từ vị trí tập kết này đến vị trí tập kết khác để cất giữ, bảo quản.

3- Di chuyển phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu.

Theo Thông tư 14/2023/TT-BGTVT, người điều khiển phương tiện phải chịu sự điều hành giao thông vận tải của cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Tốc độ, tải trọng của phương tiện không được vượt quá thiết kế kỹ thuật của phương tiện, đồng thời phải tuân thủ công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng đã được công bố trên đoạn, tuyến đường sắt di chuyển theo quy định.

Thông tư nêu rõ, tổ chức, cá nhân khi di chuyển phương tiện chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/9/2023.

Đọc thêm