Đi đòi nợ, 6 người bị tù oan?

 Do bên vay tiền chây ì không trả nợ, nên bà Nguyễn Thị Thảo Sương cùng chị em đến lấy tài sản thế chấp. Thế nhưng, cả 6 người bị khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Do bên vay tiền chây ì không trả nợ, nên bà Nguyễn Thị Thảo Sương cùng chị em đến lấy tài sản thế chấp. Thế nhưng, cả 6 người bị khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Có vay, không có trả…

Tháng 9/2008, vợ chồng ông Phạm Quốc Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Thoa vay của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thảo Sương 100 triệu đồng, thời hạn vay 4 tháng với lời cam kết trả lãi 4%/tháng. Đến hạn, vợ chồng ông Hùng không trả được nợ. Vì vậy, ngày 6/2/2009, vợ chồng ông Hùng đã dùng tài sản là chiếc xe tải 0,75 tấn, hiệu KIA để thế chấp, đảm bảo việc trả nợ cho bên vay.

Theo thỏa thuận, khi nào tìm được khách mua xe, vợ chồng ông Hùng phải bán xe để thanh toán khoản nợ trên cho vợ chồng bà Sương. Ngày 24/2/2009, vợ chồng bà Sương đã tìm được người mua xe nên yêu cầu vợ chồng ông Hùng, bà Thoa làm thủ tục bán xe để trả nợ. Tuy nhiên, vợ chồng ông Hùng đã nại ra lý do là “mất giấy tờ xe”.

Vì thế, vợ chồng bà Sương không thể thu hồi được tiền cho dù được thế chấp tài sản. Ngày 26/2/2006, vợ chồng ông Hùng đã cam kết dùng dàn thiết bị âm thanh trị giá khoảng 100 triệu đồng để “đảm bảo trả nợ”.

Biết ý đồ chây ì và có “âm mưu lừa đảo” của bên vay, vợ chồng bà Sương gửi đơn đến Công an thị trấn Định Quán đề nghị cho phép vợ chồng bà thu hồi dàn thiết bị âm thanh mà vợ chồng ông Hùng đã hứa trả. Công an thị trấn đã chuyển đơn đến ban tư pháp để hòa giải theo thẩm quyền.

Ngay sau khi có đơn, ngày 28/2/2009, bà Sương đến nhà ông Hùng để lấy dàn thiết bị âm thanh mà vợ chồng ông Hùng đã hứa sẽ trả. Việc đến “lấy đồ” này cũng được bà Sương báo cho Công an thị trấn biết và xin được giúp đỡ.

Tuy nhiên, vợ chồng ông Hùng đã không đồng ý cho bà Sương mang dàn âm thanh đi. Hai bên giằng co nhưng cuối cùng dàn thiết bị âm thanh vẫn được bà Sương và các anh chị em mang ra ngoài. Ngay lúc đó, Công an thị trấn cũng có mặt và lập biên bản sự việc đồng thời gian tài sản lại cho vợ chồng ông Hùng quản lý.

Từ bị hại thành bị cáo

Sau khi việc đi đòi nợ xảy ra, Công an huyện Định Quán đã khởi tố bà Nguyễn Thị Thảo Sương cùng 5 người thân khác của bà Sương về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Từ chỗ là người bị chiếm dụng tài sản, bà Sương cùng những người thân khác bị bắt tạm giam.

Tháng 7/2009, VKSND huyện Định Quán ra cáo trạng truy tố bà Sương và 5 người thân của bà với mức án cao nhất đến 10 năm tù. Tuy nhiên, TAND huyện Định Quán đã không thể xét xử vụ án vì cơ quan truy tố vi phạm nhiều quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố các bị can.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng, người bào chữa của bị cáo Nguyễn Thị Thảo Sương, vụ án có dấu hiệu oan sai. Các cơ quan tố tụng huyện Định Quán đã bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến các thỏa thuận đảm bảo thực hiện hợp đồng và xử lý tài sản thế chấp.

Đặc biệt, khi lấy tài sản thế chấp, bà Sương có báo chính quyền thị trấn và đã có sự can thiệp, giải quyết của Công an thị trấn khi hai bên tranh chấp bộ dàn âm thanh. Công an thị trấn Định Quán đã giao lại tài sản cho vợ chồng ông Hùng quản lý để các bên giải quyết việc tranh chấp nợ theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, việc khởi tố bà Sương là chưa đúng pháp luật.

Trong thực tế, việc “từ bị hại thành bị cáo” trong các vụ đòi nợ xảy ra rất nhiều và nguyên nhân đều xuất phát từ sự thiếu nhận thức pháp luật của người dân. Vụ việc này có gì khác biệt? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Phạm Hồng Hải và Cộng sự về vấn đề này.

* Thưa Luật sư, trong các vụ việc mà chủ nợ đi “siết nợ”, các cơ quan tố tụng thường xác định đó là vi phạm pháp luật?

a
Luật sư Lê Văn Kiên
- Đúng vậy, hầu hết các vụ việc như vậy, chủ nợ có hành vi siết nợ đều bị quy là thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu của công dân. Theo quy định của pháp luật, công dân không được chiếm đoạt tài sản của công dân, tổ chức khác nếu không có sự đồng thuận của chủ sở hữu. Hầu hết các hành vi dùng vũ lực để lấy tài sản nhằm trừ nợ đều bị quy kết phạm tội.

* Trong vụ án này, việc VKSND huyện Định Quán truy tố bà Sương và các thân nhân về tội “cưỡng đoạt tài sản” có đúng không, thưa ông?

- Vụ việc xảy ra ở Định Quán mà truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” là không đúng quy định tại Điều 135, Bộ luật Hình sự. Cưỡng đoạt là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn uy hiếp tinh thần, đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm buộc chủ tài sản giao tài sản. Trong cáo trạng, tôi không thấy có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hay thủ đoạn nào của bà Sương và những người bị truy tố khác thực hiện đối với vợ chồng ông Hùng, bà Thoa

* Việc Công an thị trấn có mặt và lập biên bản sự việc, giao lại tài sản cho ông Hùng có ý nghĩa như thế nào đối với vụ  này, thưa ông?

- Theo cáo trạng, việc bà Sương đến lấy tài sản được bên vay nợ thế chấp, việc lấy tài sản này có báo cho chính quyền biết. Như vậy, đó là việc làm ngay tình và phù hợp với thỏa thuận. Tuy nhiên, khi mang tài sản đi thì chủ sở hữu không đồng ý nên xảy ra sự việc mang tài sản ra ngoài trái ý muốn của chủ sở hữu.

Ngay khi xảy ra sự việc, Công an thị trấn đã có mặt và bàn giao lại tài sản cho vợ chồng ông Hùng. Như vậy, việc bà Sương báo cho Công an thị trấn biết và công an thị trấn có mặt để giải quyết như vậy là đúng pháp luật, nên thực tế chưa có việc chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Hùng. Vì vậy, xác định đó là tội là không phù hợp.

* Xin cảm ơn ông

Xuân Bính

Đọc thêm