Đi học có... “lương”

Năm học 2011 - 2012 là năm đầu các đối tượng học sinh, sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người được học và hưởng chế độ theo Đề án của Chính phủ. Theo đó, hàng tháng người học sẽ được khoản hỗ trợ tương đương với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định...

Năm học 2011 - 2012 là năm đầu các đối tượng học sinh, sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người được học và hưởng chế độ theo Đề án của Chính phủ. Theo đó, hàng tháng người học sẽ được khoản hỗ trợ tương đương với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) - trao đổi với PV xung quanh chính sách này.

- Trước đến nay, chúng ta đã, đang triển khai nhiều chính sách, dự án cho phát triển giáo dục miền núi. Nhưng vì sao gần đây mới triển khai việc bảo tồn, nâng cao dân trí cho 9 dân tộc rất ít người?

- Các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc rất ít người nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhằm đưa miền núi và vùng dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, rút ngắn dần khoảng cách về mọi mặt giữa miền núi, vùng dân tộc với các vùng khác.

rhbrshsr

Học sinh người dân tộc làm quen với máy vi tính. Ảnh: X.A

Mặc dù Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ việc bảo tồn, phát triển cho một số dân tộc rất ít người, hỗ trợ cho học sinh dân tộc rất ít người, song các chính sách đó còn tản mát, chưa đồng bộ. Thời gian qua, học sinh nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ học tập qua các Chương trình 135, 30a (theo Nghị quyết 30a), các chương trình kiên cố hóa trường học và một số dự án khác.

Nhưng kết quả cho thấy, cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục; tỷ lệ huy động học sinh tiểu học và trung học cơ sở chưa đồng đều; tỷ lệ học sinh học lên THPT và chất lượng học tập, mức độ chuyên cần chưa cao... Nhiều em không chịu được được kỷ luật của trường lớp đã bỏ học, đi  lao động... nên đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo.

Còn giáo viên tại chỗ ở đây rất ít, tính được trên đầu ngón tay. Giáo viên chủ yếu luân chuyển, lấy ở vùng ngoài về, nên năng lực của họ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mặt khác, số dân của các dân tộc rất ít người phát triển chậm, có nguy cơ suy thoái nòi giống. Bản sắc văn hóa dân tộc cũng đang bị mai một do không có chữ viết.

Có thể nói, các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người. Đề án này dành riêng cho dân tộc rất ít người nhằm giải quyết được những hạn chế trên.

- Bà có thể cho biết cụ thể chế độ, chính sách đặc thù của Đề án dành cho 9 tộc người?

- Mục tiêu của dự án là trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, được hưởng chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đặc biệt để có trình độ văn hóa, trình độ nghề. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan đang xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách cho các đối tượng này và dự kiến tháng 9 tới sẽ ban hành.

Theo đó, trẻ em dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo được hưởng các chế độ sau: Học mẫu giáo tại các trường  mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng.

Đối với cấp tiểu học, nếu học tại các điểm trường ở thôn bản được hưởng mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/ tháng; nếu học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/ tháng.

Đối với học sinh cấp THCS: nếu học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng mức hỗ trợ 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/ tháng; nếu học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Đối với học sinh cấp THPT, nếu học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh  và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp THCS và THPT được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/tháng.

Ngoài ra, nếu các em thi không đủ điểm vào đại học, cao đẳng thì được xét tuyển vào các trường, khoa dự bị đại học 1-2 năm hoặc được tuyển thẳng vào các cơ sở giáo duc nghề nghiệp. Nếu học tại các trường, khoa dự bị đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu.

Còn chế độ đối với giáo viên sẽ theo các chế độ hiện hành, trong Đề án này chỉ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm 100% giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn; đào tạo đội ngũ giáo viên có chuẩn kiến thức và biết tiếng dân tộc, có chính sách ưu tiên thu hút đội ngũ giáo viên đến giảng dạy ở vùng đồng bào rất ít người.

- Thưa bà, được biết ngoài các đối tượng nói trên, hiện Bộ GD&ĐT đang rà soát để bổ sung thêm đối tượng là người lớn mù chữ để xóa mù chữ cho họ?

- Đúng như vậy. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát và có chính sách đối với người lớn từ 15 tuổi trở lên, nhưng bị mù chữ để cho họ học các chương trình giáo dục thường xuyên từ xóa mù chữ cho đến THPT và học lên tiếp. Không chỉ tạo điều kiện cho họ học văn hóa mà sẽ còn có các chuyên đề nâng cao chất lượng, kỹ năng sống cho họ. Số đối tượng này rất lớn, nhưng bị bỏ sót trong đề án.

Họ phải được học thì mới nâng cao nhận thức cho bản thân cũng như dạy dỗ, định hướng thêm cho con em mình trong việc học. Tôi lấy ví dụ, các cháu bỏ học nhưng bố mẹ hiểu giá trị của việc học nên biết khuyên nhủ, động viên con thì chắc chắn các cháu sẽ nghe. Có như vậy, mục tiêu của đề án mới đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, Bộ và các ngành liên quan đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ tiền theo hình thức nào, đưa trực tiếp cho học sinh, cho bố mẹ, hay cho trường. Nguyên tắc là sẽ xem xét tình hình từng địa phương để có quyết định phù hợp với mục đích làm sao từng học sinh được hưởng trọn chế độ.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Trẻ em dân tộc rất ít người học tiểu học tại thôn bản được hưởng mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/ tháng; nếu học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Đối với học sinh THCS: nếu học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng mức hỗ trợ 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/ tháng; nếu học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu/tháng.

“Đối với người lớn từ 15 tuổi trở lên bị mù chữ, chúng tôi sẽ có chính sách để họ học các chương trình giáo dục thường xuyên từ xóa mù chữ cho đến THPT và cao hơn. Không chỉ tạo điều kiện cho họ học văn hóa mà sẽ còn cho họ làm quen các chuyên đề về nâng cao chất lượng, kỹ năng sống. Họ được học thì mới nâng cao nhận thức cho bản thân cũng như dạy dỗ, định hướng thêm cho con em mình biết coi trọng việc học”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Nguyễn Thị Thu Huyền.

CNPL

Đọc thêm