Đi là để trở về!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình yêu quê hương trở thành sợi dây cố kết, thúc giục kiều bào bằng cách này hay cách khác trở về, góp sức cùng đồng bào trong nước xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ. (Ảnh: NVCC).
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ. (Ảnh: NVCC).

Về Việt Nam để cống hiến nhiều hơn

“Nếu nhìn trong lịch sử thì dân tộc Việt Nam của chúng ta trường tồn một phần chính là nhờ lòng yêu nước. Lòng yêu nước có trong mọi người. Tôi cũng vậy, cũng luôn đau đáu tình cảm đặc biệt với quê hương, đất nước”, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ - một kiều bào từng có nhiều năm học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhấn mạnh.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi, ông Nguyễn Quốc Sỹ thi đỗ đại học với thành tích cao và được chọn đi du học ở Liên Xô. Thời gian học tập và làm việc tại Liên Xô, sau này là Nga, ông đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ người Việt trong lòng bạn bè quốc tế. Năm 1989, ông tốt nghiệp Thạc sỹ khoa học sớm một năm với bằng xuất sắc và đến năm 1993 trở thành nghiên cứu sinh duy nhất cho chương trình đào tạo Tiến sỹ khoa học của trường. Từ năm 2003, ông là Giáo sư Khoa Vật lý đại cương và Tổng hợp hạt nhân tại Trường Đại học Năng lượng Moscow - một trong những cơ sở đào tạo lớn về khoa học, công nghệ của Nga. Ông cũng vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, trong đó nổi bật là giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Tổng thống Nga vào năm 2006. Ông có gần 100 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế.

Dù ở xa nhưng Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ luôn hướng về quê hương. Từ năm 2007, ông tích cực thúc đẩy các dự án hợp tác giữa Nga và Việt Nam, đẩy mạnh việc cấp học bổng của Trường Đại học Năng lượng Moscow và các trường công nghệ khác cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Cùng với đó, ông cũng nhiều lần về nước để hỗ trợ các đồng nghiệp về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như triển khai một số dự án.

Đến năm 2018, trên cơ sở đánh giá kết quả hợp tác trong nhiều năm, Trường Đại học Năng lượng Moscow quyết định cử cán bộ trực tiếp về Việt Nam để thúc đẩy hiệu quả các dự án khoa học, công nghệ. Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đã xung phong nhận nhiệm vụ này. Để đi đến quyết định này, ông đã phải vượt qua nhiều trăn trở và cả những áp lực. Bởi, khi đó ông đang có điều kiện tốt để phát triển sự nghiệp, gia đình cũng đã quen với cuộc sống ở Nga. Thế nhưng, tình yêu quê hương, mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước cuối cùng đã thôi thúc ông trở về.

Trong 5 năm vừa qua, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cùng các cộng sự đã triển khai nghiên cứu thành công được hơn 30 công nghệ, trong đó có nhiều công nghệ có độ sẵn sàng ứng dụng rất cao tại Việt Nam. Nổi bật là công nghệ khí hóa plasma, vừa xử lý được rác thải, vừa tạo ra điện năng. Hay công nghệ dùng khí ion plasma để khử khuẩn, khử nấm trên bề mặt, giúp bảo quản tốt hơn nông sản, thực phẩm sau thu hoạch, phục vụ tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu.

Dành cho trẻ em ở Việt Nam những cơ hội tốt nhất

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ (bìa phải) say mê với các công trình nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ (bìa phải) say mê với các công trình nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Bác sỹ Nguyễn Dương Nam Phương là người đã có 43 năm sống tại Mỹ. Ông hiện là Giáo sư Phẫu thuật tại Đại học Colorado và là Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado. Dù không được sinh ra ở Việt Nam và cũng đã ở nước ngoài nhiều năm nhưng dòng máu Việt chảy trong người khiến ông ngay từ khi bắt đầu học y khoa tại Đại học Minnesota đã cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc phải tận dụng mọi cơ hội để cống hiến cho quê hương.

Gần 20 năm trước, khi chuẩn bị tốt nghiệp trường y, ông có cơ hội tham gia đoàn y tế của tổ chức Project Vietnam, tới Việt Nam để thực hiện các ca phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em tại tỉnh Hòa Bình và hướng dẫn bác sỹ phẫu thuật người Việt thực hiện những ca phẫu thuật tương tự. Sau chuyến công tác đó, bác sỹ Phương đã đến nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Nepal, Philippines… để giảng dạy và thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình cho trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam là nơi ông quay lại nhiều nhất.

Năm 2020, bác sỹ Phương đồng sáng lập tổ chức mang tên Nuoy Reconstructive International nhằm giúp trẻ em ở Việt Nam có cơ hội được thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình phức tạp, đồng thời thúc đẩy các hoạt động trao đổi kiến thức và nghiên cứu với các bác sỹ Việt Nam. Kể từ đó cho đến nay, mỗi năm, ông đều về Việt Nam ít nhất một hoặc hai lần. “Nhu cầu cống hiến cho đất nước đã ăn sâu vào máu tôi. Tôi xem bệnh nhân và bác sỹ mà chúng tôi làm việc cùng không phải là đồng nghiệp mà là gia đình”, ông khẳng định.

Trong hơn 20 năm qua, Nuoy và tổ chức tiền thân là RICE đã thực hiện hơn 22 chuyến công tác tới Việt Nam, thực hiện các ca phẫu thuật cho hơn 15.000 bệnh nhân, tham gia đào tạo hơn 50 bác sỹ. Nuoy hiện có quan hệ đối tác lâu dài với nhiều bệnh viện tại Việt Nam. “Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm rằng bệnh nhân ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, được tiếp cận tất cả các dịch vụ chăm sóc tái tạo với chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất”, bác sỹ Phương chia sẻ.

Điều quan trọng hơn mà ông mong muốn là thông qua các hoạt động trao đổi sẽ góp phần đưa các bệnh viện ở Việt Nam trở thành những cơ sở y khoa xuất sắc, thu hút được các chuyên gia và sinh viên từ các nước khác tới học hỏi. “Người dân Việt Nam có bản lĩnh và quyết tâm không ai sánh bằng và tôi tự hào là người Việt Nam. Trong thời điểm lạc quan và hướng tới tương lai này, tôi mong rằng tất cả trẻ em ở Việt Nam đều có cơ hội sống một cuộc sống trọn vẹn và được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới”, ông nói.

Coi kiều bào mạnh cũng là đất nước mạnh

Bác sỹ Nguyễn Dương Nam Phương (mặc áo blouse ở giữa) trong một chuyến công tác tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Bác sỹ Nguyễn Dương Nam Phương (mặc áo blouse ở giữa) trong một chuyến công tác tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), ước tính, trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600 ngàn, gồm 2 bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại. Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu và làm việc.

“Trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt đối với phát triển và sức mạnh của mỗi quốc gia, việc huy động tốt nguồn lực tri thức của NVNƠNN sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, bà Lê Thị Thu Hằng nhận định.

Để thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn lực kiều bào - đặc biệt là nguồn lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, đóng góp cho đất nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng cần thực sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nguồn lực kiều bào trong sự nghiệp phát triển đất nước, coi kiều bào mạnh cũng là đất nước mạnh và ngược lại. Cần có quyết tâm và chung tay tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong công tác huy động nguồn lực quan trọng này hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc, nhằm đạt được mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Bác sỹ Nguyễn Dương Nam Phương và các đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Bác sỹ Nguyễn Dương Nam Phương và các đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức, chuyên gia kiều bào. Chú trọng tạo dựng môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm, để từ đó chiêu mộ những nhân tài, chuyên gia, trí thức NVNƠNN về làm việc lâu dài, góp phần nâng cao năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ của đất nước.

Về phía các địa phương, Bộ, ngành, cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng những chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp; có chính sách sử dụng hiệu quả những lao động có kỹ năng, tay nghề được tu nghiệp tại các nước phát triển; mạnh dạn tin dùng và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các nước trở về.

Ngoài ra, cần đầu tư nguồn lực tài chính cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phục vụ thu hút nguồn lực kiều bào, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức NVNƠNN; hỗ trợ cho các chuyên gia, trí thức NVNƠNN về nước làm việc; thành lập một số trung tâm xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế; cung cấp cho vay tín dụng ưu đãi khi kiều bào thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đọc thêm