Nằm cạnh vợ như cạnh... bạn
Nằm cạnh vợ như một người bạn sau vụ giám định hiếp dâm, đó là câu chuyện mà TS. Vũ Dương, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia dẫn chứng về cái nghề của mình đã ảnh hưởng thế nào đến hạnh phúc gia đình.
Theo TS. Vũ Dương thì “chưa có thống kê nào cả, song sau 20 năm trong nghề tôi thấy, phần lớn bác sĩ pháp y bị người yêu hoặc vợ bỏ. Lương thấp, phụ cấp ít đã đành một nhẽ. Song những ám ảnh tâm lý mới là gánh nặng.
Nhiều lần phải khám nghiệm cho những tử thi bị chết cháy hoặc trôi sông đã thối rữa, tử khí thấm vào người, tắm 2-3 lần rồi vẫn thấy ám mùi tử khí. Và cũng từ đó, những người giám định không dám ăn những món ăn gợi nhớ đến hình ảnh ấy. Nhiều anh sau khi khám nghiệm cho một trường hợp bị hiếp dâm, về nhà 3-4 tháng nằm cạnh vợ như một người bạn”.
3 ngày ở với xác chết, 7 ngày tắm dầu thơm
Không phải nằm cạnh vợ như một người bạn, nhưng vợ con của bác sĩ pháp y Phạm Xuân Thông – Giám đốc Trung tâm Pháp y Khánh Hòa đã bỏ chạy hết ra khỏi nhà khi ông trở về sau một vụ giám định.
Bác sĩ pháp y Phạm Xuân Thông – Giám đốc Trung tâm Pháp y Khánh Hòa kể lại một kỷ niệm nhớ đời. Đó là cách đây 23 năm, sau khi nhận được tin báo máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, ông đã cùng đoàn công tác gồm các ban ngành của tỉnh lên đường.
Từ khi máy bay rơi đến khi đoàn vào đến hiện trường đúng tuần lễ nên các xác chết bắt đầu phân huỷ trương sình, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bên cạnh xác máy bay vỡ nát. Nhìn cảnh ấy, ai cũng sợ nhưng các bác sĩ pháp y quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ.
“Hơn 3 ngày ăn ngủ với tử thi, đó là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên được. Sau hôm khám nghiệm ở Ô Kha về, vừa bước chân vào nhà, mọi người bịt mũi chạy tán loạn vì mùi của tử thi bám sâu trong quần áo, da thịt. Ba ngày sống với xác rồi sau đó tôi phải thêm 7 ngày ở…. một mình để tắm đi tắm lại bằng đủ loại dầu thơm. Với một ông chồng như vậy, nếu người vợ không hiểu, không thông cảm thì khó có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra” – theo lời bác sĩ pháp y Phạm Xuân Thông.
Xuýt ế vợ vì nghề
Cho đến nay, bác sĩ pháp y Phạm Xuân Toàn – nguyên Viện Phó Viện Pháp y quốc gia không còn nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu vụ giám định, bao nhiêu lần làm sáng tỏ công lý, minh oan cho những người vô tội. Và cũng ít người biết rằng để đi trọn với nghề, ông phạm Xuân Toàn cũng đã phải trải qua không ít “cửa ải” như nỗi sợ hãi của bản thân, áp lực nghề nghiệp, sự phản đối của người thân…
“Ngày xưa tôi đi lấy vợ cũng vất vả lắm. Nghe nói mình làm nghề pháp y, đằng ngoại nhất mực phản đối vì sợ. Cũng phải thuyết phục mãi mới được đấy. Quan trọng làm mình đã vượt qua những rào cản tâm lý để hoàn thành nhiệm vụ” – ông Toàn chia sẻ.
Những hy sinh thầm lặng
Như mọi người khác, gia đình rất quan trọng với bác sĩ pháp y, đúng như lời bộc bạch của PGS. TS Trần Văn Liễu, nguyên Viện trưởng Viện Y học tư pháp trung ương, Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam: “Nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của hậu phương, chúng tôi không thể toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ. Gia đình đối với chúng tôi là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Sự thông cảm, chia sẻ của bạn đời ấy là động lực để chúng tôi tiếp tục công tác”. Nhưng, chuyện hôn nhân trắc trở của bác sĩ pháp y thì có rất nhiều và không ít người trong số họ đã tan vỡ gia đình vì nghề nghiệp.
Biết là vậy, nhưng gần hai chục năm theo chân, gắn bó với các bác sĩ pháp y, PV chưa từng thấy có một người nào nói sẽ bỏ nghề. Bởi họ luôn ý thức được trách nhiệm bác sỹ của luật pháp của mình. Tất cả họ không ai bảo ai, đều có chung một suy nghĩ rằng: Vẫn biết làm nghề giám định pháp y là một sự hy sinh bản thân rất lớn, nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai?