Buồn vui nghề... mổ tử thi

(PLO) - “Người làm khoa học phải tuyệt đối trung thành với khoa học và luôn làm đúng lương tâm nghề nghiệp. Không thể mang cái cá nhân chủ quan, những toan tính, vụ lợi ích kỷ vào công việc, nếu không sẽ thay đổi tính chất vụ án, để lọt kẻ gian, làm oan người vô tội”, bác sĩ Đặng Trần Dũng, cán bộ Trung tâm giám định pháp y, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) khẳng định.
Anh Đặng Trần Dũng.
Anh Đặng Trần Dũng.

Tâm sự của anh Đặng Trần Dũng cũng là tâm niệm chung của nhiều cán bộ ở Trung tâm giám định Pháp y (Viện Khoa học Hình sự). Họ là những người thầm lặng, cần mẫn đứng đằng sau mỗi chuyên án để thu thập các chứng cứ, buộc các chứng cứ phải nói lên sự thật.  

Tâm sự về nghề, bác sĩ Đặng Trần Dũng cho biết, sau khi tốt nghiệp, cũng như nhiều sinh viên y khoa khác, anh có biết bao ước mơ bay bổng của một bác sĩ trẻ về nghề trị bệnh cứu người. Nhìn gương mặt hạnh phúc của những bệnh nhân được cứu sống sẽ là niềm hạnh phúc vô bờ của người thầy thuốc… Thế nhưng, anh Dũng đã tình nguyện trở thành một bác sĩ pháp y.

Hơn 10 năm trong nghề, trải qua những buồn vui, hỉ nộ ái ố của nghề, đến nay, anh và những đồng đội của mình vẫn nguyện gắn bó với công việc thầm lặng mà đầy ý nghĩa của một giám định viên.

Nói nghề pháp y là “duyên phận” như bác sĩ Đặng Trần Dũng sẽ không ngoa và để đi trọn với nghề, những bác sĩ mang quân hàm cũng phải trải qua không ít “cửa ải”. “Nghề pháp y áp lực lắm, nếu không có lòng yêu nghề, biết vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân thì không làm được đâu. Lần đầu tiên cầm dao mổ tử thi thực sự là ám ảnh, đến nỗi trong giấc ngủ vẫn còn mơ thấy”, anh Dũng tâm sự.

Thạc sỹ Đỗ Lập Hiếu.
Thạc sỹ Đỗ Lập Hiếu.

Theo ThS Đỗ Lập Hiếu (cán bộ Trung tâm giám định pháp y, Viện Khoa học Hình sự), lâu nay, xã hội vẫn nhìn nhận bác sĩ pháp y là những người chỉ chuyên mổ xác, tiếp xúc với tử thi mà chưa có cái nhìn thực sự đầy đủ về công việc này. Thực tế, pháp y là tổng thể của nhiều lĩnh vực khoa học trong một, không chỉ “hai trong một” mà còn có thể có tới… “mười trong một”.

Cụ thể, trong pháp y có pháp y tử thi, pháp y thương tích trên người sống, giám định tuổi, pháp y sinh dục, pháp y tâm thần; giám định các tang vật có nguồn gốc từ cơ thể người, giám định hài cốt, pháp y nghề nghiệp, pháp y lao động, pháp y sinh vật...

Trung tâm Giám định pháp y nơi anh Dũng, anh Hiếu và các đồng nghiệp của mình đang công tác có cả thảy 21 bác sĩ, giám định viên. Họ làm việc với cường độ công việc rất cao: khoảng 1.300 ca/năm, nghĩa là bình quân ngày 3-4 ca (mỗi ca cần nhiều kỹ thuật xét nghiệm). Điện thoại của họ phải luôn đặt trong trạng thái hoạt động, kể cả khi ngủ.

Dù là nửa đêm gà gáy hay đang trong bữa cơm, ngày thường hay lễ, Tết, trời nắng gắt hay mưa bão, giám định viên pháp y cũng phải lên đường bất kỳ lúc nào khi được trưng cầu. Gần thì xe máy, ô tô, xa thì tàu hỏa..., bàn chân họ có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Người ta nói rằng, chẳng ai có thể qua mắt được các chuyên gia pháp y, bởi đến người đã mất, những vật vô tri vô giác cũng được “hỏi ra nhẽ”. Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào cũng tĩnh tâm và suôn sẻ để tìm chứng lý khoa học cho một vụ án.

Quan niệm “chết toàn thây” đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, vì thế mà có không ít trường hợp gia đình người chết viện đủ mọi lý do để ngăn cản việc khám nghiệm tử thi như: tập trung đông người, khóc lóc vật vã, đe dọa hành hung, xách cả valy của tổ khám nghiệm và đuổi đi… Những lúc như vậy, bác sĩ pháp y lại phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, giải thích cho thân nhân người quá cố về mục đích pháp luật của việc mổ tử thi.

Phương châm làm việc của các bác sĩ, giám định viên pháp y là thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan và toàn diện. Có những nơi phải căng bạt giữa hiện trường, người hiếu kỳ vây kín xung quanh. Mổ thì ngồi hoặc lom khom, tư thế gò bó nên chỉ một lúc là cả người đau nhừ, nhất là đôi chân.

Cũng có lúc phải tiến hành mổ xẻ trong buồng kín của gia đình nạn nhân với không gian chật hẹp, bóng điện lờ mờ, thời gian giới hạn tới từng phút. Nhiều áp lực căng thẳng là vậy mà vẫn phải chính xác, kỹ càng từng cm, không để thiếu sót bất kỳ dấu vết gì, bởi nếu sai một ly sẽ đi một dặm, hậu quả khó lường.

Từ kết quả giám định pháp y, nhiều vụ án phức tạp đã được làm rõ, nhiều người vô tội được minh oan và nhiều kẻ thủ ác phải đền tội trước pháp luật. Phía sau hào quang của những chiến công cùng những nhọc nhằn, vất vả đặc thù của công việc giám định là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi bác sĩ, giám định viên vì đã góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc vạch trần cái ác, đem lại sự công bằng cho xã hội.

Đọc thêm