Khẳng định tầm quan trọng của Luật Bồi thường Nhà nước, bà Lê Thị Nga (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) - Chủ nhiệm UBTPQH cho rằng đây là dự luật rất quan trọng nên cần thảo luận, cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Cho ý kiến sâu về lĩnh vực tố tụng hình sự, bà Lê Thị Nga cho rằng việc dự luật mở rộng các trường hợp được xác định bồi thường là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo, Toà án NDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an cần rà lại vì luật quy định như thế nhưng đi vào từng hợp cụ thể sẽ rất phức tạp.
Đánh giá trường hợp bồi thường oan sai có biểu hiện chậm, thậm chí tránh né được nêu trong báo cáo năm 2015, Chủ nhiệm cho rằng cái này không phải do pháp luật mà là do áp dụng pháp luật.
Nói về khó khăn trong công tác bồi thường, bà nhận định: “Vướng nhất hiện nay một số trường hợp quá trình bồi thường kéo dài. Người bị làm oan chịu thiệt thòi lớn, quá trình xác định oan khó khăn, một số trường hợp cơ quan tự phát hiện, nhưng có trường hợp ngoài nỗ lực của cơ quan tiếp nhận đơn thư thì vai trò gia đình họ rất lớn, kêu oan lâu. Trong khi đó hành trình bồi thường cũng khá dài”
Nói về hai vụ oan sai điển hình, bà nhận định: Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) đã giải quyết xong nhưng còn vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) tại sao lúc đầu thoả thuận hơn 10 tỷ đồng, nhưng sau đó còn 2,6 tỷ đồng? Nếu ra toà thì theo thủ tục tố tụng dân sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về người khởi kiện, điều này sẽ khó khăn cho người đòi bồi thường.
Luật này có quy định chi phí thực tế hợp lý tương đối đầy đủ và cần có quy định cụ thể về phương pháp xác định chi phí. Như ông Nén đi tù 17 năm thì làm cách nào để đủ giấy tờ để chứng minh được.
Lo lắng cho phương án tính thiệt hại, bà góp ý “Loại có hóa đơn thì tính theo hóa đơn, loại đi tù lâu không còn hóa đơn thì phải có cách tính chi phí hợp lý để đảm bảo công bằng”. Bà cũng đề nghị những vụ việc nổi cộm “đăc biệt” thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét chỉ đạo giải quyết để tránh kéo dài.