Địa chỉ "vàng" cho người yêu sách tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây

(PLO) - Mới hơn nửa năm đi vào hoạt động, nhưng Thư viện cộng đồng tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Bộ đội Biên phòng Long An) lúc nào cũng đông đúc cán bộ, chiến sĩ và người dân trên địa bàn đến đọc sách, báo cũng như tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây đang hướng dẫn cho một em học sinh cách truy cập Internet.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây đang hướng dẫn cho một em học sinh cách truy cập Internet.

Càng ý nghĩa hơn khi từng đầu sách, đầu báo nơi đây đều là tâm huyết, tấm lòng của các nhà hảo tâm và cán bộ, chiến sỹ của Đồn.

“Nếu như trước đây muốn đọc sách báo phải đi cả chục cây số, thì giờ chỉ cần vào Đồn Biên phòng là được” - đó là câu nói của nhiều người dân xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) mà chúng tôi nghe được trong chuyến công tác tại đây. 

Đáp ứng đúng nhu cầu

Chúng tôi đến với Thư viện cộng đồng nằm trong khuôn viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Mỹ Quý Tây đúng dịp cuối tuần. Có khá đông người đến đọc sách, cả cán bộ, chiến sỹ trong Đồn lẫn bà con nhân dân trên địa bàn; trong đó, không thiếu những gương mặt đã hiện nếp nhăn của tuổi già hay những cô bé, cậu bé đang tuổi đến trường. 

Đại úy Võ Thanh Tùng - Chính trị viên Đồn - cho biết: “Thư viện cộng đồng ra đời đã đáp ứng được nhu cầu tự đọc, tự học, tự tìm hiểu kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng như quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Từ trước tới nay, địa bàn hai xã Mỹ Quý Đông và Mỹ Quý Tây mà đơn vị phụ trách còn rất khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là việc tiếp cận với mạng Internet, sách báo mới vì điều kiện không cho phép. Từ khi đi vào hoạt động đến nay dù thời gian chưa lâu nhưng chúng tôi đã thấy được hiệu quả của thư viện mang lại cho anh em trong đơn vị và người dân trên địa bàn, đặc biệt là các em học sinh trong việc nắm bắt thông tin, trau dồi kiến thức”.

Thư viện cộng đồng của Đồn BPCK Mỹ Quý Tây đi vào hoạt động từ tháng 11/2015, diện tích 40 mét vuông. Các trang thiết bị, sách báo phục vụ bên trong thư viện được bài trí rất ngăn nắp, khoa học, đậm tác phong của “lính Biên phòng”.

Trong đó, gồm có khu vực ngồi đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu, khu vực tìm hiểu các kiến thức trên mạng Internet và khu vực trưng bày các loại sách. Với 430 đầu sách, tầm 1359 cuốn sách, 6 dàn máy vi tính và 12 đầu báo các loại, có thể nói “cơ ngơi” này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu đọc sách báo, tìm hiểu kiến thức, tự đọc, tự học của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. 

Giờ giải lao, các CBCS thường đến Thư viện để đọc sách báo.

Giờ giải lao, các CBCS thường đến Thư viện để đọc sách báo.

Mở cửa cả tuần

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, sách báo mà hoạt động của thư viện  cũng rất “chuyên nghiệp”. Đối với người dân khi đến đây tìm hiểu sẽ được cán bộ phụ trách hướng dẫn các quy định của thư viện đề ra cũng như cách khai thác thông tin trên mạng, hướng dẫn tìm các đầu sách trên giá sách cũng như việc đăng kí mượn sách về nhà tìm hiểu.

Hiện tại, ngoài cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đến tìm hiểu kiến thức ở thư viện, bình quân mỗi tháng có gần 80 lượt người dân đến Thư viện cộng đồng để tìm hiểu kiến thức – một con số ấn tượng ở vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn này. 

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Thư viện đều mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ nhu cầu cho cán bộ, chiến sĩ những lúc giải lao lên đọc sách báo, nắm bắt tình hình thời sự, hoặc tìm hiểu về những kiến thức về lực lượng biên phòng, kiến thức pháp luật, biển đảo…

Có được điều này là nhờ Ban Quản lý thư viện luôn cố gắng gia tăng các đầu sách mới, hoặc phối hợp với các thư viện ở xã biên giới, trao đổi luân chuyển đầu sách để đảm bảo các đầu sách mới cho bạn đọc cũng như đáp ứng những kiến thức biên phòng cho quần chúng nhân dân.

Khép lại những trang cuối của tờ báo Biên phòng số ra mới nhất đang cầm trên tay, chiến sĩ Nguyễn Minh Duy thuộc Đồn BPCK Mỹ Quý Tây bộc bạch: “Trong giờ giải lao, ngoài sân thể thao thì thư viện này chính là nơi mà anh em trong đơn vị thường hay tìm đến nhất. Bởi tại đây, chúng tôi có cơ hội đọc thêm sách báo, truy cập Internet để cập nhật thông tin, hay tìm hiểu thêm những kiến thức về quân sự, quốc phòng mà thời học phổ thông chưa được tiếp cận…”. 

Thư viện cộng đồng đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu kiến thức của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhiều người dân trên địa bàn. Đặc biệt hơn, trong kho sách của thư viện có rất nhiều cuốn sách về pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tìm hiểu, giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu các kiến thức pháp luật, qua đó đã đẩy mạnh được công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới mà Đồn phụ trách. 

Đọc thêm